1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hàng châu Âu vào Việt Nam giá cạnh tranh, doanh nghiệp Việt phải sẵn sàng chơi lớn

(Dân trí) - Ông Hoàng Quang Phòng – Phó chủ tịch VCCI cho rằng, muốn phát triển không còn cách nào là phải hội nhập. Với EVFTA, cơ hội rất lớn song thách thức cũng rất nhiều, thậm chí sẽ có những doanh nghiệp đứng trên bờ vực tồn tại hay không…

Hàng châu Âu vào Việt Nam giá cạnh tranh, doanh nghiệp Việt phải sẵn sàng chơi lớn - 1

Nhiều cơ hội mở ra cho thương mại, đầu tư Việt Nam khi Hiệp định thương mại tự do VN - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) được ký kết chính thức vào ngày 30/6.

Chiều qua (30/6), tại Hà Nội, Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU gồm Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) đã được ký kết sau hơn 9 năm đàm phán.

EVFTA gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ...

Về thuế quan, ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 86% số dòng thuế và hơn 99% dòng thuế được gỡ bỏ sau 7 năm.

Ngược lại, Việt Nam cũng cam kết sẽ bỏ ngay 48,5% số dòng thuế cho hàng hoá EU. Sau 7 năm số dòng thuế được xoá bỏ tăng lên 91,8% và sau 10 năm mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế... Người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội tiêu dùng các sản phẩm của châu Âu với giá cạnh tranh.

Trao đổi với Dân trí, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU giúp cho các sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa Việt Nam có điều kiện cạnh tranh mạnh mẽ, phát triển ở thị trường châu Âu.

Tuy nhiên, theo ông Phòng, điều kiện để hàng hoá đi vào châu Âu rất khắt khe, những hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU được quy định rất cao.

Trong khi đó, đa phần doanh nghiệp Việt Nam nhỏ và vừa, do vậy không còn cách nào khác là doanh nghiệp phải tự lớn lên, tự làm cho mình mạnh lên bằng việc áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ hiện đại, quản trị bài bản, tìm hiểu kỹ các cam kết đưa ra trong FTA...

“Muốn phát triển được thì không còn các nào khác phải dám chơi cuộc chơi lớn. Ra sân chơi lớn chúng ta phải chấp nhận như vậy”, ông Phòng nói.

Trước lo ngại doanh nghiệp “hụt hơi” ngay chính sân nhà khi hàng hoá châu Âu vốn đã được ưa chuộng về chất lượng nay lại vào Việt Nam với giá cạnh tranh, ông Phòng nói: “Bất kỳ một FTA nào cũng vậy, có cơ hội thì cũng song song với thách thức. Doanh nghiệp đón được cơ hội nhưng cũng phải tiên liệu cho mình những khó khăn. Không ai khác, chính doanh nghiệp phải tự có những phương án, chiến lược cho mình. Không thể để thua trên sân nhà được”.

Bên cạnh đó, để doanh nghiệp có thể tận dụng được cơ hội mà FTA mang lại, ông Phòng cho rằng, cần phải giảm thủ tục hành chính, tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với những cơ hội.

Vị này chia sẻ thêm, khi tham gia WTO, có nhiều quan ngại rằng chúng ta nhỏ bé thế này, khi ra sân chơi lớn thế kia có tương thích được không, nhưng giờ đã chứng minh được chúng ta cũng có những thành công nhất định.

“Hiệp định tạo ra cơ hội tốt hơn cho các doanh nghiệp, nhưng quyết định cuối cùng vẫn là của chính các doanh nghiệp”, ông Phòng nhấn mạnh.

Trước đó trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, các mặt hàng nông sản, gạo, cà phê, mật ong, sản phẩm chăn nuôi, cây trái... đều là những ngành hàng được hưởng ưu đãi rất cao ngay từ những năm đầu tiên.

Những sản phẩm kỳ vọng có tăng trưởng mạnh ở EU như dệt may, da giày, chế biến đồ gỗ, tin học, các ngành công nghiệp như: hóa dầu, ô tô cơ khí cũng được hưởng ưu đãi khi cắt giảm thuế quan trong những năm tới.

“Nếu EVFTA đi vào thực thi từ năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng 20% và đến giai đoạn 2025-2030, tốc độ tăng sẽ lớn hơn từ 70-80%. Theo tính toán, dự kiến, tăng trưởng xuất khẩu sẽ tăng từ 4-6%, các ngành kinh tế tăng thêm 19 tỷ USD vào năm 2019 và đến năm 2025 sẽ tăng lên 70 tỷ USD”, ông Trần Tuấn Anh cho hay.

Ông Tuấn Anh cũng khẳng định, sẽ có thách thức. Đó là sự cạnh tranh khi mở cửa thị trường cho hàng hóa và dịch vụ các nước, trong bối cảnh DN Việt phần lớn là nhỏ và vừa. Cách tổ chức, vận dụng làm sao để vượt qua khó khăn là đòi hỏi và yêu cầu mà chương trình hành động cần đặt ra.

Ngoài ra, nếu được phê chuẩn, môi trường đầu tư, trước hết cho doanh nghiệp châu Âu, sẽ được cải thiện đáng kể. Cơ chế giải quyết tranh chấp, bảo hộ sẽ được tổ chức thực hiện sao cho phù hợp luật pháp châu Âu, quốc tế và Việt Nam. Họ sẽ có những điều khoản đảm bảo bảo vệ lợi ích cho họ.

Nguyễn Mạnh