1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Doanh nghiệp bảo hiểm cạnh tranh bằng "nói xấu"?!

(Dân trí) - Thị trường bảo hiểm bao gồm cả nhân thọ và phi nhân thọ đang cạnh tranh ngày càng gay gắt. Đặc biệt là sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đại lý đang gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm tại thị trường Việt Nam.

Trong một báo cáo được công bố sáng nay (30/6), Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho biết, trong Top 5 công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín trên thị trường Việt Nam hiện nay có đến 4 công ty bảo hiểm nước ngoài. Song ngay cả Bảo Việt nhân thọ cũng có cổ đông chiến lược là Sumitomo Life (Nhật Bản).

Có thể thấy, trên sân chơi bảo hiểm nhân thọ hầu hết là các doanh nghiệp ngoại có kinh nghiệm, có đội ngũ chuyên gia cao cấp và có khả năng thiết kế các gói sản phẩm hợp lý đòi hỏi chi phí rất lớn. Thêm vào đó, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thường có thời hạn hợp đồng dài, các đối tượng khách hàng khác nhau, hợp đồng khác nhau… nên rất khó doanh nghiệp Việt nào có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp ngoại.

Trong khi đó, Top 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín lại chỉ có mặt các công ty trong nước, bao gồm 6 doanh nghiệp Nhà nước, còn lại là tư nhân. Mặc dù không có yếu tố ngoại, nhưng cạnh tranh trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ luôn diễn ra rất gay gắt, tập trung vào bảo hiểm tài sản, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm các dự án, bảo hiểm thân tàu..., chủ yếu vẫn là cạnh tranh hạ phí, mở rộng điều khoản điều kiện bảo hiểm dưới chuẩn.

Việc hợp tác giữa các doanh nghiệp bảo hiểm cần được đề cao hơn thay vì “nói xấu” lẫn nhau (ảnh minh họa)
Việc hợp tác giữa các doanh nghiệp bảo hiểm cần được đề cao hơn thay vì “nói xấu” lẫn nhau (ảnh minh họa)

Với đặc thù giảm thiểu tối đa các rủi ro và đem lại sự an toàn và an tâm cho khách hàng, các công ty bảo hiểm uy tín, không phân biệt loại hình hoạt động, địa bàn kinh doanh… đều cần có kinh nghiệm kinh doanh lâu dài, có năng lực tài chính ổn định và được đánh giá cao từ khách hàng đang sử dụng và hưởng lợi ích từ bảo hiểm.

Trên thực tế, các doanh nghiệp bảo hiểm thường phải chi những khoản “khó đừng” cho việc mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu, hoa hồng… và đặc biệt là những sản phẩm chưa đáo hạn nên lợi nhuận thường không cao, thậm chí có khi bị lỗ (so với các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản…).

Tuy nhiên, theo Vietnam Report, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đại lý đã khiến việc lãi lỗ trở thành yếu tố quan trọng quyết định lựa chọn của khách hàng, gây ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm.

Theo khảo sát các doanh nghiệp bảo hiểm được thực hiện trong tháng 6/2016 của Vietnam Report, đa phần các doanh nghiệp được hỏi cho rằng, ngoài nhận thức của người dân về bảo hiểm, uy tín công ty và cạnh tranh trong ngành là các yếu tố có ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm.

Báo cáo của Vietnam Report nhận định, thời gian tới, việc hợp tác giữa các doanh nghiệp bảo hiểm cần được đề cao hơn thay vì “nói xấu” lẫn nhau. Cạnh tranh công bằng bằng chất lượng, sự đa dạng hay những lợi ích mang lại cho khách hàng của các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm sẽ góp phần lành mạnh hóa thị trường, đồng thời tác động ngược trở lại giúp cải thiện nhận thức của người dân và nâng cao uy tín của các công ty bảo hiểm.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, các doanh nghiệp đều tỏ ra lạc quan khi nhận định về triển vọng ngành trong năm 2016 phần lớn nhờ thực tế kinh doanh trong năm 2015 vừa qua.

Theo số liệu thống kê của Cục quản lý giám sát bảo hiểm, tổng doanh thu phí toàn thị trường năm 2015 ước đạt 68.688 tỷ đồng, tăng 23,45% so với năm 2014, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 32.038 tỷ đồng, tăng 17,18% so với năm 2014, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 36.650 tỷ đồng, tăng 29,5% so với năm 2014. Đến hết năm 2015, tổng doanh thu toàn thị trường bảo hiểm đạt khoảng 2% GDP.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm