Bảo hiểm xã hội bị siết đầu tư

(Dân trí) - Hoạt động mua trái phiếu, đầu tư vào các dự án là những ưu tiên cuối cùng mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam được cho phép. Các khoản này chỉ được dùng tiền từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp và không được vượt quá 20% số dư quỹ này.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 30/2016/NĐ-CP quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý.

Nghị định nêu rõ, hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH, BHYT, BHTN phải bảo đảm minh bạch, an toàn, hiệu quả và thu hồi được vốn đầu tư.

Hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH, BHYT, BHTN được thực hiện thông qua 5 hình thức theo thứ tự ưu tiên: mua trái phiếu Chính phủ; cho ngân sách nhà nước vay; sau đó mới đến gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Hình thức ưu tiên thứ 4 của nguồn tiền này là cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội vay theo hình thức mua trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do các ngân hàng này phát hành. Cuối cùng là đầu tư vào các dự án quan trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc đầu tư vào hình thức 4 và hình thức 5 chỉ áp dụng đối với quỹ BHTN và không được vượt quá 20% số dư quỹ BHTN của năm trước liền kề.

Những khoản đóng góp bảo hiểm xã hội của người lao động bị thất thoát
Những khoản đóng góp bảo hiểm xã hội của người lao động bị thất thoát

Liên quan đến hoạt động gửi tiền tại các ngân hàng thương mại, Nghị định quy định, mức tiền gửi do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định. Thời hạn cụ thể tối đa không quá 3 năm.

Đồng thời, Nghị định cũng quy định rõ, toàn bộ số tiền sinh lời thu được hằng năm của hoạt động đầu tư theo quy định tại Nghị định này và số tiền lãi phát sinh trên tài khoản tiền gửi phản ánh các khoản thu, chi BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của pháp luật về cơ chế quản lý tài chính về BHXH, BHYT, BHTN được sử dụng để trích lập quỹ dự phòng rủi ro và phân bổ vào các quỹ.

Trong đó, mức trích quỹ dự phòng rủi ro hằng năm tối đa không quá 2% số tiền sinh lời của hoạt động đầu tư cho đến khi số dư quỹ dự phòng rủi ro bằng 5% số dư nợ đầu tư vào hình thức 3 và hình thức 5 của năm trước liền kề. Mức trích cụ thể hằng năm do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định. Quỹ dự phòng rủi ro trong thời gian chưa sử dụng, được sử dụng đầu tư vào các hình thức 1 và hình thức 2.

Mới đây, trong phiên họp về tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2013 của Ủy ban Các vấn đề xã hội (Quốc hội) diễn ra cuối ngày 24/4, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết, cơ quan này đã kiến nghị xử lý 1.052 tỷ đồng "coi như mất trắng" của BHXH. Kiểm toán cho biết, đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Cơ quan điều tra tiến hành làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật.

Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) đã yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm trước nhân dân về tình trạng sử dụng quỹ BHXH "cho vay thương mại, làm dự án thủy điện, giờ không thu hồi được".

Bích Diệp

Bảo hiểm xã hội bị siết đầu tư - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm