Chưa tăng lương đã tăng giá:

Do tâm lý và… “té nước theo mưa”?!

(Dân trí) - Thông tin về việc áp dụng mức lương mới từ 1/10 tới đã ít nhiều tác động đến cuộc sống người dân. Biểu hiện cụ thể của việc tác động này là một số mặt hàng tiêu dùng trên thị trường đang nhúc nhích tăng giá.

Ông Nguyễn Tiến Thoả, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính) cho rằng đây hoàn toàn là do yếu tố tâm lý. Và một khi Nhà nước có chủ trương tăng lương thì sẽ kéo theo một số mặt hàng “té nước theo mưa”.

Việc tăng lương tác động đến giá cả thị trường như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi thấy rằng, tăng lương cho các đối tượng từ ngân sách Nhà nước phù hợp với quỹ lương hiện tại. Xét về bản chất, chúng ta không in thêm tiền nên giá không thể lên. Nhưng về mặt tâm lý nó sẽ tác động đến một số loại hàng hóa, nhất là hàng tiêu dùng.

Trên thực tế, từ 1/10 mới tăng lương tối thiểu nhưng giá một số mặt hàng đã tăng. Đây cũng là bài học của nhiều năm khi chúng ta tăng lương, yếu tố tâm lý ăn theo ngay.

Chỉ cần nghe thông tin đâu đó Nhà nước sẽ tăng lương là giá cả cũng sẽ nhích lên. Đó là yếu tố tâm lý và chúng ta gọi là hiện tượng này là “té nước theo mưa”, tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp lợi dụng để đẩy giá sản phẩm cao lên.

Giá xăng đã giảm, giá vàng cũng đang giảm, hai yếu tố này có ảnh hưởng thế nào đến tổng thể sự ổn định của thị trường nói chung?

Sau thông tin tăng lương từ 1/10, khảo sát tại các chợ cho thấy, giá các loại ra củ đã tăng từ 500 - 1.000 đồng; thịt bò, lợn, ngan, gà cũng đã tăng nhẹ, thêm khoảng 1.000 đồng/kg; tôm, cua đồng tăng từ 1.500 - 2.000 đồng/kg.

 

Theo các chuyên gia, việc một số mặt hàng như thực phẩm và hàng tiêu dùng hiệu ứng tăng nhẹ theo lương là phù hợp với quy luật và sẽ mặt bằng giá sẽ không có đột biến từ nay đến cuối năm.

Thị trường luôn được giữ bởi hai nhóm nhân tố: Một nhóm hàng có xu hướng kìm giá và một nhóm hàng có xu hướng tăng giá. Vàng giảm, xăng giảm và có nhiều mặt hàng giữ ổn định như: điện, than bán cho các hộ tiêu dùng lớn, bưu chính viễn thông, cước vận tải hành khách bằng xe buýt, nước sạch...

Nhưng cũng có những mặt hàng có xu hướng tăng do thiếu hụt nguồn cung như thủy hải sản, rau củ quả... nên giá đã nhích lên một ít. Do có sự tác động đan xen của các nhóm nhân tố thị trường như vậy, chúng tôi cho rằng thị trường vẫn diễn ra tương đối bình ổn và vẫn nằm trong vòng kiểm soát của Nhà nước từ nay đến cuối năm.

Ông vừa nói đến thị trường bình ổn từ nay đến cuối năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ nay đến cuối năm sẽ được dự đoán như thế nào?

Mục tiêu của Quốc hội đặt ra là tốc độ tăng giá tiêu dùng của năm 2006 thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, mà tốc độ tăng trưởng kinh tế chúng ta phấn đấu là 8% và trên 8%.

Trong kỳ họp vừa qua, Chính phủ đã đánh giá rất nhiều mục tiêu đặt ra đều có thể đạt được, ước tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8%. Tất cả những điều đó giúp ổn định các cân đối vĩ mô của nền kinh tế. Khi cân đối vĩ mô được giữ vững sẽ tác động đến giá và sẽ không có những đột biến xảy ra.

Chúng tôi dự đoán, nếu 8 tháng vừa qua giá đã tăng 4,8% thì trong 4 tháng còn lại nó sẽ tăng khoảng từ 2,2% - 2,5%. Như vậy, CPI năm nay cao nhất cũng chỉ vào khoảng 7,3%.

Trong thực tế, lương chưa tăng mà giá đã tăng, có ý kiến cho rằng giá trị thực của người làm công ăn lương đang bị giảm đi và tăng lương chỉ là biện pháp bù trượt giá, ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

Ý kiến về giá thị thực của người làm công ăn lương hoàn toàn đúng. Chúng ta phải nhìn thấy thực tế đó để có những giải pháp bình ổn thị trường, bởi vì khối lượng tiền lương danh nghĩa mà chúng ta sẽ được hưởng là thêm 100.000 đồng, nhưng lượng hàng hoá người tiêu dùng mua với giá là bao nhiêu mới là quan trọng.

Do tâm lý và… “té nước theo mưa”?! - 1
  

Ông Nguyễn Tiến Thoả

Để giá cả tăng, tiền lương thực tế của người hưởng lương sẽ bị giảm đi. Vì thế phải dựa vào thực tế để có những giải pháp bình ổn giá sao cho thu nhập của người lao động không bị giảm sút.

Tuy nhiên, về phần bù trượt giá, nếu so sánh như thế thì chúng ta phải xem lương tăng tối thiểu 28,6% và từ 1/10/2005 - 1/10/2006, CPI tăng 7,5%, tức là ngoài phần bù đắp phần giá tiêu dùng tăng vẫn còn dôi một khoản để có điều kiện để cải thiện đời sống.

Nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc tăng lương sẽ dẫn đến việc tăng phí sản xuất, giảm tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp và khó khăn lớn nhất lại thuộc về người lao động. Điều này có đúng không, thưa ông?

Không nên nhìn cắt khúc như vậy. Đương nhiên khi tăng lương, giá cả sẽ tăng, doanh nghiệp và người lao động gặp khó, nhưng đây cũng là đòn bẩy kích thích kinh tế phát triển, giúp doanh nghiệp và người lao động làm việc tốt hơn, có trách nhiệm với công việc hơn. Còn bản thân doanh nghiệp phải bằng biện pháp hợp lý hóa để kiềm chế việc giá tăng theo lương.

Như vậy, theo đánh giá của ông, mức lương tối thiểu mà Nhà nước điều chỉnh tăng từ 1/10 tới đã phù hợp với mặt bằng giá cả, với sự phát triển kinh tế hiện nay chưa?

Xét về mong muốn, chúng ta luôn mong sẽ được tăng cao hơn, nhưng thực chất nguồn và điều kiện chúng ta thực hiện tăng lương có lẽ khoảng này là vừa. Vì chúng ta còn cải cách tiền lương từ nay đến 2010, do đó phải có tính toán.

Việc này chúng tôi cũng đã có tính toán từ đầu, trên cơ sở tốc độ tăng trưởng như vậy và thu ngân sách năm nay tăng lên và mức tăng lương tối thiểu từ 350.000đ lên 450.000đ là có thể chấp nhận được.

Xin cám ơn ông!

Nguyễn Hiền - Thu Hà (thực hiện)