Do "nhầm hàng", doanh nghiệp được xuất thêm 38.000 tấn gạo tẻ trong tháng 4
(Dân trí) - Theo Tổng cục Hải quan, hơn 38.000 tấn gạo tẻ sẽ được mở tờ khai xuất khẩu trong tháng 4/2020. Số gạo này nằm trong hạn ngạch hơn 400.000 tấn gạo xuất khẩu được Chính phủ cho phép.
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, qua rà soát hệ thống hải quan về hoạt động mở tờ khai xuất khẩu gạo theo hạn ngạch của Chính phủ 400.000 tấn được mở ngày 12/4, cơ quan này phát hiện có hơn 38.000 tấn gạo nếp xuất khẩu được các doanh nghiệp mở tờ khai chung với gạo tẻ.
Trong khi đó, gạo nếp xuất khẩu hiện không có hạn ngạch, xuất khẩu bình thường, chính vì vậy, số lượng gạo nếp nằm trong hạn ngạch sẽ được đưa ra dành hạn ngạch cho gạo tẻ. Số tờ khai và phần gạo nếp đã đăng ký vào hạn ngạch xuất khẩu nhường chỗ cho gạo tẻ xuất khẩu.
Trước đó, các bộ, ngành liên quan đã trao đổi qua lại với nhau về vấn đề gạo nếp có nằm trong diện mua dự trữ, an ninh lương thực hay không? Quyết định sau đó là gạo nếp được phép xuất khẩu bình thường, không chịu hạn ngạch.
Đáng nói, việc nhầm lẫn trên do gạo nếp, gạo tẻ có chung mã HS của hải quan.
Về thời gian mở tờ khai số gạo tẻ xuất khẩu nói trên, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết đã trao đổi với Bộ Công Thương và Bộ này sẽ có hướng dẫn về xuất khẩu số gạo nói trên.
"Tổng cục Hải quan sẽ có thông báo rộng rãi cho cộng đồng doanh nghiệp biết thời gian hệ thống hải quan tiếp nhận tờ khai xuất khẩu 38.000 tấn gạo này, để các thương nhân biết và chủ động gửi tờ khai" - lãnh đạo Tổng cục Hải quan nói.
Về diễn biến việc xuất khẩu 400.000 tấn gạo được đăng ký tờ khai ngày 12/4, trên cổng thông tin điện tử Tổng cục Hải quan tính đến 9 giờ ngày 25/4, lượng gạo thực xuất là 159.900 tấn, chiếm khoảng 40% hạn ngạch được phép.
Như vậy, qua 14 ngày xuất khẩu gạo từ ngày 12/4, bình quân các doanh nghiệp mới chỉ xuất được 11.400 tấn/ngày. Hiện, tháng 4 còn 6 ngày nữa, số gạo xuất khẩu bình quân phải đạt trên 40.000 tấn.
Trong văn bản mới phát đi ngày 24/4, Tổng cục Hải quan khẳng định đối với các tờ khai hải quan đã được đăng ký trong hạn ngạch 400.000 tấn nhưng quá 15 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan, doanh nghiệp không xuất trình hàng hóa để kiểm tra, hải quan địa phương sẽ hủy tờ khai theo quy định của pháp luật.
Về xuất khẩu gạo nếp, thóc nếp và tấm nếp, Tổng cục Hải quan có văn bản chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố không kiểm tra thực tế các lô hàng phân luồng đỏ.
Cơ quan hải quan chỉ căn cứ vào Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hàng xuất khẩu do cơ quan kiểm dịch cấp hoặc Giấy chứng nhận khử trùng do tổ chức có năng lực được chỉ định cấp, trong đó xác định chủng loại gạo, để thông quan.
Một thông tin đáng chú ý là 0h sáng hôm nay (25/4), Tổng cục Hải quan đã mở tờ khai xuất khẩu cho doanh nghiệp có gạo tồn tại cảng do lệnh cấm trước đó và do doanh nghiệp không đăng ký được tờ khai xuất khẩu ngày 12/4.
Trước đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, Hiệp hội lương thực Việt Nam đều có đơn kêu cứu gửi Chính phủ về tình trạng doanh nghiệp có gạo tại cảng nhưng không mở được tờ khai xuất khẩu, khiến hàng tồn tại cảng, phát sinh chi phí, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.
An Linh