DNNN không thể chủ đạo bằng cách giữ nhiều vốn

Các thông tin từ kết quả giám sát của Quốc hội về quá trình cổ phần hóa (CPH) cho thấy việc các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nắm giữ cổ phần chi phối đang là trở ngại cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động của DN...

“Công ty cổ phần nhà nước”

 

“Sau khi CPH, khoảng 81,5% giám đốc, 78% chức danh phó giám đốc và kế toán trưởng không có sự thay đổi”-đây là vấn đề đã được trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách của Quốc hội (QH) Nguyễn Đức Kiên đặt ra khi cùng Ủy ban Thường vụ QH thảo luận về kết quả giám sát tại phiên họp ngày 21/9 trước khi bản báo cáo được trình ra QH.

 

Điều này cho thấy trên thực tế là nhiều DN sau CPH vẫn hoạt động như trước cả về tổ chức, tư duy, công nghệ, quản lý và triết lý kinh doanh vẫn mang dáng dấp của DN nhà nước. “Nếu có thay đổi chỉ là giám đốc DN nhà nước cũ trở thành lãnh đạo mới của công ty cổ phần, chưa có DN nào sử dụng cơ chế thuê giám đốc điều hành” - ông Kiên cho biết.

 

Thực tế này, theo phân tích của đoàn giám sát, có một nguyên nhân là do việc bán cổ phần của các DN vẫn chỉ tập trung trong nội bộ DN, tỉ lệ nắm giữ cổ phần chủ yếu thuộc về cán bộ và người lao động trong DN, chưa thu hút được các cổ đông bên ngoài DN để có tỉ lệ cổ phần đủ lớn, dám mạnh dạn đề xuất và áp dụng phương pháp quản lý, quản trị DN, phương án kinh doanh mới.

 

Vấn đề này cũng được phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN trung ương Phạm Viết Muôn thừa nhận. “Hạn chế này thể hiện rõ ở các DN CPH mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối. Ban lãnh đạo của DN đều từ DN nhà nước chuyển sang, sự hiểu biết và áp dụng pháp luật về công ty cổ phần còn rất hạn chế, những thông lệ quản trị tốt nhất chưa được áp dụng phổ biến trong các công ty cổ phần” - ông Muôn nói.

 

Theo báo cáo giám sát, với những đặc điểm như vậy, CPH các DN nhà nước về thực chất vẫn là CPH khép kín, chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược. “Với tỉ lệ sở hữu như vậy, có thể nói những thay đổi đem lại thành công cho DN CPH trong thời gian qua chưa phải do yếu tố đổi mới quản trị, quản lý đem lại”-ông Kiên nhận xét.

 

Nhà nước “ép” cổ đông thiểu số

 

“Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước thể hiện không chỉ ở tỉ trọng vốn nhà nước nắm giữ mà chủ yếu cần thể hiện ở hiệu quả sử dụng vốn, hiệu quả kinh doanh, ở vai trò định hướng, ổn định kinh tế vĩ mô” - quan điểm này đã được nhấn mạnh trong báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện cổ phần hóa DN nhà nước được Ủy ban Thường vụ QH trình QH trong kỳ họp cuối năm nay.

Cùng với sự đổi mới, sắp xếp DN nhà nước “nửa vời” như vậy, vai trò giám sát của cổ đông thiểu số, theo phân tích, cũng bị hạn chế. “Với việc mua cổ phần DN mà Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, các cổ đông bên ngoài thật ra chỉ có quyền nhận cổ tức, các quyền khác khó có thể được thực hiện đầy đủ bởi cổ đông nhà nước, với số cổ phần nắm giữ lớn hơn tất cả các cổ đông khác cộng lại, hầu như có toàn quyền định đoạt mọi vấn đề trong đại hội cổ đông và HĐQT” - ông Nguyễn Đức Kiên nói.

 

Cũng theo ông Kiên, có ý kiến cho rằng khi bán cổ phần lần đầu, việc Nhà nước giữ cổ phần chi phối là cần thiết, là bước quá độ để DN cổ phần hoạt động ổn định, sau đó giảm dần tỉ lệ vốn nhà nước hoặc có thể bán hết cổ phần. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có qui định, hướng dẫn rõ ràng nên việc bán tiếp cổ phần nhà nước trong DN hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm của đại diện chủ sở hữu.

 

Cũng vì vậy, yêu cầu về việc xác định rõ tiêu chí của những DN nhà nước nắm cổ phần chi phối đã được đoàn giám sát đưa ra trong kiến nghị về các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến trình CPH và nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN CPH.

 

“Đối với khối DN công ích, DN thuộc nhóm quốc phòng, an ninh cũng phải xác định rõ. Ví dụ như DN may, DN cơ khí... có nhất thiết phải để trong khối DN an ninh, quốc phòng không”-Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu bổ sung.

 

Theo ông Yểu, việc may mặc trang phục cho quân đội hoàn toàn có thể chuyển sang dạng đặt hàng các DN ngoài quân đội chứ không cần phải duy trì những DN như vậy trong cơ cấu của quân đội.

 

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách của QH Đặng Văn Thanh, tỉ lệ cổ phần nắm giữ được coi là chi phối hoàn toàn có thể ở mức dưới 50%, thậm chí 30-40%.

 

Theo Nhật Linh

Báo Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm