1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Dior, Gucci, Louis Vuitton... ế ẩm

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Trong quý III, doanh số của loạt thương hiệu Louis Vuitton, Dior chậm lại. Trong khi đó, tình hình kinh doanh của Gucci, Yves Saint-Laurent cũng không mấy khả quan.

LVMH - "ông trùm" hàng hiệu sở hữu nhiều thương hiệu như Louis Vuitton, Dior, Tiffany - báo cáo doanh số bán hàng thời trang và đồ da chỉ tăng 9% trong quý III. Trên thị trường, giá cổ phiếu của tập đoàn cũng giảm mạnh.

Các công ty khác còn chật vật hơn khi Tập đoàn Kering (Pháp) chứng kiến doanh số bán hàng giảm 9% trong quý III, xuống còn 4,46 tỷ euro.

Đặc biệt, doanh số bán hàng đã giảm trên toàn bộ các thương hiệu thời trang của tập đoàn. Gucci, thương hiệu chiếm một nửa hoạt động kinh doanh toàn cầu của Kering, có doanh thu trong quý III giảm 7%.

Công ty con khác là Yves Saint-Laurent cũng đang có dấu hiệu suy yếu, với doanh số bán hàng giảm 12%. Giám đốc điều hành của tập đoàn cho biết nguyên nhân của sự sụt giảm này đến từ bối cảnh kinh tế bất lợi khiến nhu cầu mua hàng xa xỉ giảm mạnh.

Các nhà phân tích tài chính trong ngành hàng xa xỉ đều lo ngại về sức mua của thị trường Trung Quốc, nơi từng giúp Gucci, Dior và Louis Vuitton bội thu. Sau khi dỡ bỏ phong tỏa vì dịch bệnh, quá trình phục hồi vẫn còn chậm.

"Thị trường đồng hồ Trung Quốc đã phục hồi chậm hơn dự kiến", Sylvain Dolla, giám đốc điều hành Swatch Group, đơn vị sở hữu thương hiệu đồng hồ Tissot, chia sẻ với Le Monde.

Dior, Gucci, Louis Vuitton... ế ẩm - 1

Nhiều thương hiệu xa xỉ ghi nhận doanh số giảm mạnh (Ảnh: CNA).

Ngược lại với tình hình chung, Hermes vẫn kinh doanh ổn định. Trong quý III, thương hiệu túi da Pháp này công bố doanh số tăng 15,6% so với cùng kỳ, vượt xa kỳ vọng và các đối thủ.

Giám đốc tài chính của Hermes cho biết hoạt động kinh doanh của tập đoàn tại Trung Quốc rất "mạnh mẽ". Phía công ty cũng cho biết dù vẫn còn những khó khăn kinh tế mà Trung Quốc phải đối mặt trong ngắn hạn nhưng triển vọng của họ sẽ không thay đổi.

Hermes cho biết doanh số bán hàng ở châu Mỹ của hãng tăng 20% mặc dù mức tăng giá thấp hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Ở châu Âu, doanh số bán hàng của hãng tăng 18,1% trong quý III. 

Thomas Chauvet, người đứng đầu bộ phận bán lẻ của CitiBank, bình luận: "Với việc Gucci bắt đầu một chương mới, kết quả kinh doanh hàng quý yếu kém đã được dự đoán. Trong khi đó Saint Laurent, Bottega Veneta và Balenciaga bị ảnh hưởng bởi nhu cầu suy yếu của người tiêu dùng".

Thomas Chauvet, người đứng đầu bộ phận bán lẻ của ngân hàng Citi cho rằng sau Trung Quốc, thị trường sẽ kỳ vọng vào mùa lễ hội ở Mỹ và Châu Âu, nơi áp lực kinh tế vẫn đang hiện diện. Vị chuyên gia cho biết lạm phát và lãi suất tăng cao có thể khiến tâm lý người tiêu dùng yếu đi.

"Thêm vào đó là sự bất ổn gần đây ở Trung Đông và những rủi ro tiềm ẩn đối với dòng khách du lịch vào châu Âu. Tất cả dẫn đến triển vọng nhu cầu trong năm tới là không chắc chắn", chuyên gia nhấn mạnh với Le Monde.

Mặc dù vậy, vẫn có những phân tích lạc quan. HSBC kỳ vọng mức tăng trưởng 9,3% trong năm tới, được thúc đẩy bởi thị trường Châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản, trong khi Trung Quốc đại lục dự kiến sẽ tăng trưởng 5,5%, Mỹ 7% và Châu Âu chỉ 2%.

"Dịp Tết Nguyên Đán sẽ là phép thử thực sự để xem liệu người tiêu dùng Trung Quốc có còn ưa thích hàng xa xỉ hay không", nhà phân tích Rambourg của HSBC chia sẻ với Le Monde. "Có rất nhiều cơ hội mở rộng việc kinh doanh ở Trung Quốc. Điều này có thể thúc đẩy doanh số của các hãng".

Theo Le Monde

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm