Định giá sanh cổ gần 500 tỷ đồng: "Cho không đắt"

"Có nhiều người còn nói với tôi rằng, đừng nói đến 20 triệu USD, ngay cả cho không người ta còn không lấy".

Mới đây, tại Festival cây cảnh, đá quý, đá phong thủy lần thứ 3, một doanh nhân người Thanh Hóa đã mang ra trưng bày cây sanh cổ có tên "Nham thạch bách niên".

Trong số những người tham gia Festival, một nghệ nhân người Nhật Bản đánh giá, cây sanh cổ này có giá gấp 3 - 4 lần cây "Mâm xôi con gà" (6 triệu USD), đồng thời ngỏ ý muốn sở hữu cây với mức giá 20 triệu USD (khoảng 460 tỷ đồng).

Mặc dù đây là lần đầu tiên xuất hiện trước đông đảo người chơi cây, thế nhưng giá trị cây sanh cổ này khiến không ít người cảm thấy bất ngờ. Bởi lẽ, một "tân binh" như "Nham thạch bách niên" lại được định giá khủng chỉ trong một lần ra mắt.

Định giá sanh cổ gần 500 tỷ đồng: Cho không đắt - 1

Cây sanh cổ có tên "Nham thạch bách niên" được định giá 20 triệu USD.

Chiêu trò thổi giá

Trao đổi về thông tin này, nghệ nhân cây cảnh Dương Văn Mười (Thường Tín, Hà Nội) - chủ nhân của hai cây cảnh nổi tiếng là "Tiên lão giáng trần" và "Thành đồng Tổ quốc" tỏ ra bức xúc:

"Cây sanh đó (Nham thạch bách niên) không có chút gì đặc biệt để mà định giá lên tới 20 triệu USD. Thử hỏi tất cả những người trong giới chơi cây, ai cũng sẽ có chung nhận định như tôi.

Tôi cho rằng, đây chỉ là chiêu trò nhằm thổi khống giá trị của mấy ông thương nhân nhằm lấy tiếng. Điều này khiến tôi cảm thấy rất bức xúc, nó khiến cho những cây thực sự có giá trị nghệ thuật trở nên mờ nhạt".

Theo vị nghệ nhân cây cảnh, cây sanh cổ "Nham thạch bách niên" không được giới chơi cây đánh giá cao là vì cây này quá lớn, thân cây có dấu hiệu mục ruỗng. Ngoài ra, sự công phu, chăm chút của bàn tay con người không được thể hiện nhiều. Cây không thoát ra được cái thần của một tuyệt tác.

"Để mà đánh giá, tôi cho rằng cây sanh cổ ở Thanh Hóa không hề có giá trị, nó cũng chỉ như những cây cảnh bình thường khác. Nó không đủ tư cách để đứng ngang hàng với cây "Tiên lão giáng trần", "Thành đồng Tổ quốc" hay "Mâm xôi con gà".

Có nhiều người còn nói với tôi rằng, đừng nói đến 20 triệu USD, ngay cả cho không người ta còn không lấy. Mà có lấy cũng chẳng biết để ở đâu cái cây nặng đến 50 tấn. Đừng để vì đồng tiền, vì danh tiếng mà đánh mất đi cái giá trị của một nghệ nhân cây cảnh", ông Mười chia sẻ.

Quá tầm thường

Định giá sanh cổ gần 500 tỷ đồng: Cho không đắt - 2

Cây rừng khai thác, to là nhiều tiền?

Đồng quan điểm, một nghệ nhân cây cảnh có tiếng ở Phú Thọ (xin giấu tên) cho rằng, để có thể đánh giá được một tác phẩm nghệ thuận cần phải thông qua nhiều yếu tố, thông qua nhiều ý kiến nhận định.

"Cây cảnh cũng là một tác phẩm nghệ thuật, để đánh giá một cách chính xác nhất một cây có đẹp hay không, giá trị thế nào cần phải xét trên nhiều yếu tố. Ngoài ra, nó còn phải được những nghệ nhân trong giới chơi cây thừa nhận.

Cây sanh cổ ở Thanh Hóa đột nhiên xuất hiện trong một Festival, rồi được một ông người Nhật nào đó định giá tới 20 triệu USD là một câu chuyện hết sức hoang đường.

Gần đây, khi anh em trong giới chơi cây cảnh chia sẻ thông tin tôi mới biết được cây đó có tên là "Nham thạch bách niên". Nguồn gốc của cây ở đâu, do nghệ nhân nào chăm sóc, quá trình chăm sóc thế nào, tất cả thông tin còn rất mù mờ", vị nghệ nhân cây cảnh nói.

Theo vị nghệ nhân, giới chơi cây cảnh phương Đông có một chuẩn mực chung, khá phổ biến để đánh giá cây. Theo đó, một cây cảnh hoàn thiện phải hội tụ đủ 4 yếu tố Cổ - Kì – Mỹ – Văn.

"Một cây cảnh nghệ thuật dù nhỏ, dù to được con người dày công sưu tầm tạo tác phải có được dấu ấn của thời gian, vượt qua được những thăng trầm, thử thách của ngoại cảnh, phải thể hiện được vươn lên không ngừng của nội lực bản thể, phải gắn với những giá trị lịch sử, những vỉa tầng văn hóa…nghĩa là phải Cổ.

Kế đến phải đặt những giá trị Cổ gắn với nó trong mối tương quan với sự kì công, kì tuyệt, kì tài của người thể hiện, tác động ra nó, để cho nó trở nên có hồn, có thần đẹp hơn nó ngoài tự nhiên - Mỹ. Có giá trị nhân văn nói lên thông điệp tư tưởng của con người - Văn.

Ngày này, nhiều người còn tự đặt ra một số chuẩn mực khác, ví dụ Cổ - Linh - Tinh - Quái. Thế nhưng, dù thế nào vẫn có những tiêu chí đề cao sự công phu của người nghệ nhân.

"Cây "Nham thạch bách niên" cùng lắm là đạt tiêu chí là Cổ, còn những tiêu chí khác, tôi không đánh giá cao. Cây quá thô sơ và cục mịch, không xứng đứng trong hàng tuyệt tác của làng cây cảnh Việt Nam", vị nghệ nhân cây cảnh đến từ Phú Thọ nhận xét thẳng thắn.

Theo Hoàng An

Báo Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm