Định danh xác thực điện tử trong chuẩn hóa dữ liệu danh tính cá nhân
(Dân trí) - Cục Công nghệ thông tin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng Công ty cổ phẩn Dịch vụ EPAY và Công ty cổ phần Hệ thống Công nghệ ETC tổ chức tọa đàm "Giải pháp định danh xác thực điện tử và các ứng dụng trong chuyển đổi số ngành ngân hàng".
Ngày 19/9, buổi tọa đàm diễn ra đã mang đến những giải pháp cho vấn đề xác thực danh tính, dữ liệu, cũng như ứng dụng các ưu điểm của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - Đề án 06.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của ông Phạm Tiến Dũng - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đại diện của các Cục Công nghệ thông tin, Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Thanh toán, Văn phòng Ngân hàng Nhà nước, cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam, các tổ chức ngân hàng trên toàn quốc.
Hiện tại, hầu hết các tổ chức đang thực hiện xác thực khách hàng bằng công nghệ OCR, eKYC, nhận diện bằng mắt của nhân viên ngân hàng… Những hình thức này hiện không kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không so khớp sinh trắc học được hoặc cho kết quả thấp khi thực hiện đối sánh trên bề mặt giấy tờ.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Phạm Tiến Dũng yêu cầu: "Các đơn vị phải khẩn trương triển khai các giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư vào định danh và xác thực điện tử theo Kế hoạch phối hợp 01, tăng cường triển khai các biện pháp xác thực tài khoản, xử lý triệt để tình trạng khách hàng sử dụng tài khoản 'ảo' để hoạt động 'tín dụng đen' (nếu có). Các ngân hàng phải chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin tài khoản ảo, dữ liệu chưa được đối sánh, xác thực trong nghiệp vụ. Nhiệm vụ của ngành ngân hàng là đảm bảo không có các tài khoản ảo, tài khoản 'rác' để các đối tượng xấu lợi dụng các dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán cho hoạt động 'tín dụng đen', các vi phạm pháp luật".
Bám sát mục tiêu của Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia và góp phần thực hiện thành công Kế hoạch phối hợp 01 giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công ty cổ phần Dịch vụ EPAY mang đến giải pháp xác thực khách hàng bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip và thông qua ứng dụng định danh điện tử VneID, cho phép kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ứng dụng trên đa kênh (online và offline), đa thiết bị (đầu đọc CCCD, camera nhận diện khuôn mặt, kiosk), đa ngành nghề.
Giải pháp sử dụng công nghệ NFC (công nghệ giao tiếp trường gần, sử dụng cảm ứng từ trường giúp kết nối các thiết bị) và các thiết bị chuyên dụng cho phép xác thực chính xác thông tin của khách hàng, ngăn chặn vấn đề giả mạo danh tính, xác thực dữ liệu từ đầu.
Đối với các dữ liệu có sẵn, EPAY tư vấn, hỗ trợ các ngân hàng trong việc phối hợp với Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư - C06 triển khai các giải pháp xác thực dữ liệu theo lô, giúp phát hiện giả mạo hoặc sai lệch thông tin, phát hiện vay mượn danh tính bằng sinh trắc học, so sánh và xử lý lượng lớn thông tin trong một lần thực hiện. Mọi thông tin dữ liệu công dân, khách hàng đều được bảo mật và kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bên cạnh đó, giải pháp ký số từ xa trên VneID tích hợp với mobile banking đảm bảo xác thực thông tin người ký số trên văn bản. Theo đó người ký số sẽ sử dụng tài khoản VneID mức độ 2 đã được xác minh bởi Bộ Công an để xác thực định danh mà không cần sử dụng các thiết bị chuyên dụng hay cài đặt mới các phần mềm môi trường khác. Trong tương lai, giải pháp ký số từ xa có thể được ứng dụng cho dịch vụ mở hợp đồng tín dụng từ xa, nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Ông Đặng Thành Tuân - Phó tổng giám đốc EPAY - chia sẻ: "EPAY là một trong các đơn vị đầu tiên được ủy quyền từ Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư - C06, Bộ Công an, cho phép kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cung cấp sản phẩm, dịch vụ xác thực CCCD gắn chip. Nhận thấy nhu cầu lớn của các tổ chức, đơn vị trong việc ứng dụng giải pháp định danh và xác thực điện tử trong đối chiếu, xác minh thông tin của khách hàng, chúng tôi đã chủ động nghiên cứu, phối hợp với C06 - Bộ Công an trong việc tư vấn công nghệ cung cấp các giải pháp số, tận dụng tối đa những tiện ích cũng như những mục tiêu lớn của Đề án 06, mang đến cho các tổ chức, đơn vị và người dân những giải pháp tối ưu về trải nghiệm người dùng và đảm bảo tính bảo mật cao".
Các giải pháp định danh và xác thực điện tử của EPAY hiện được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như hàng không, y tế, ngân hàng, tài chính, dịch vụ công.