Đình đám bầu Thụy: Thích đốt trăm tỷ, chán bán bỏ

Ông Nguyễn Đức Thụy còn gọi là bầu Thụy luôn đưa ra những quyết định quan trọng một cách bất ngờ. Đây có lẽ là đặc trưng khiến giới đầu tư nhận diện về một đại gia đình đám: Khi thích sẵn sang đốt trăm tỷ, chán rồi bán bỏ không tiếc.

Rút khỏi bóng đá, bỏ chứng khoán

 

Ngày 2/4, ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Xuân Thành (VIX) đã bán thành công 22,25 triệu cổ phiếu đăng ký bán trước đó.

 

Lượng cổ phiếu khổng lồ trị giá gần 240 tỷ đồng, tương đương 74% CTCK VIX của bầu Thụy được chuyển nhượng trong đúng một ngày 31/3/2014, đánh dấu sự thoái vốn khỏi chứng khoán, lĩnh vực mà doanh nhân này rất tâm đắc cách đây vài năm.

 

Như vậy, đã tròn 3 năm kể từ khi bầu Thụy lấn sân sang lĩnh vực chứng khoán và cũng là khoảng thời gian không hề tốt đẹp đối với TTCK khi mà gần như toàn bộ các cổ phiếu lao dốc liên tục, bào mòn túi tiền của các NĐT, trong đó có các đại gia như ông Thụy.
 
Bầu Thụy giờ đây dường như lại quay về bến đỗ cũ là xi măng.
 

Hồi đầu năm 2011, xuất hiện những thông tin úp úp mở mở truyền tai về một đại gia hàng đầu trên TTCK cũng là một đại gia BĐS cao cấp lúc bấy giờ thoái vốn khỏi chứng khoán trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, TTCK đi xuống.

 

Bầu Thụy khi đó đã là một nhân vật khá đình đám, nhưng mới chỉ được biết đến là nhà sản xuất xi măng mon men làm bóng đá. Giới đầu tư chứng khoán khi đó không mấy người biết đến bầu Thụy, mà chỉ biết đến những cái tên như Đoàn Nguyên Đức, Đặng Thành Tâm, Trương Gia Bình - chính thức vào danh sách những người giàu nhất.

 

Những thông tin sau đó vài tháng cho thấy, hàng loạt các vụ bán ra với khối lượng lớn cổ phiếu VIX của ban lãnh đạo và thành viên HĐQT đã được chính ông Nguyễn Đức Thụy gom vào.

 

Sau khi mua 22,5 triệu cổ phiếu (tương đương 75%) vốn của VIX, ông chủ của Tập đoàn Xuân Thành nổi tiếng đã đổi tên thành Chứng khoán Xuân Thành và tiếp tục mua thêm, nâng tỷ lệ sở hữu lên 81,5%.

 

Trước đó, giới kinh doanh cũng đã biết đến bầu Thụy như một đại gia chi tiền không tiếc tay cho siêu xe và bóng đá. Có thời kỳ đại gia này sở hữu cùng lúc 2 đội bóng Sài Gòn FC và Thái Sơn Quảng Nam.

 

Nói về độ chơi xe, có lẽ chỉ vài ba người như Cường đô-la, Cường Luxury... có thể đọ với doanh nhân trẻ Ninh Bình. Tuy không trực tiếp thừa nhận về dàn xe triệu đô nhưng những chiếc xế khủng với biển số độc dạng như "số 1 Ninh Bình" gắn với hình ảnh bầu Thụy đã khiến bất kỳ người mê xe nào cũng phải trầm trồ về đại gia này.

 

Bến mới của đại gia Ninh Bình?

 

Trong hai năm vừa qua, nỗi thất vọng lớn nhất của bầu Thụy có lẽ chính là chứng khoán và bóng đá. Đam mê bao nhiêu, kỳ vọng bao nhiêu thì dường như đại gia Ninh Bình này thất vọng bấy nhiêu.

 

Với chứng khoán, bầu Thụy đã vài lần muốn "đẩy đi" toàn bộ số cổ phiếu này nhưng bán không ai mua.

 

TTCK sôi động từ cuối 2013, đầu 2014 tới nay là cơ hội tuyệt vời để đại gia này rút khỏi chứng khoán. Quyết định này chấm dứt "cái duyên với chứng khoán" mà đại gia này từng chia sẻ, và nó phần nào cho thấy bầu Thụy không dễ vượt qua những khó khăn của nền kinh tế nói chung, như ông từng tuyên bố "ai khó chứ tôi có khó đâu".

 

Còn với bóng đá, nỗi đau có khi lớn hơn, không chỉ mất tiền mà còn mang bực vào người. Tháng 8 vừa qua, đội bóng của anh em bầu Thụy là Xi măng Xuân Thành Sài Gòn đã chính thức giải thể sau một loạt những phản đối và tràn ly với sự không đồng tình vì phán quyết trừ 4 điểm của VFF.

 

Đội bóng dưới sự lãnh đạo của bầu Thủy (em bầu Thụy) cho rằng họ đã đầu tư rất nhiều tiền của, công sức vào đội bóng nhưng VFF và Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã không mang đến sân chơi công bằng cho các đội tham dự, đặc biệt làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của nhà tài trợ là Tập đoàn Xuân Thành.

 

Có thể thấy, dù rất tự tin với các quyết định của mình như đã nói ở trên nhưng trên thực tế không ít các quyết định lớn của bầu Thụy mà đi kèm với đó là hàng trăm tỷ đồng được bỏ ra nhưng kết quả thu về có lẽ không được như mong muốn.

 

Những tuyên bố hùng hồn khi bước vào một lĩnh vực mới và những sự ồn ào khi rút đi khiến không ít NĐT đặt câu hỏi thực tế bầu Thụy giàu tới cỡ nào với hệ thống khoảng 10 DN thuộc Tập đoàn Xuân Thành và bến đỗ tiếp theo của bầu Thụy là đâu.

 

Đầu năm 2012, khi cộng đồng DN lao đao với chứng khoán, BĐS, đối mặt với lãi suất cao, thua lỗ, nợ nần ngập đầu thì bầu Thụy tung hàng trăm tỷ đồng vào chứng khoán với những tuyên bố xanh rờn. Tới đầu năm 2013, trong lúc thị trường BĐS đóng băng, xi măng dư thừa, hình ảnh bầu Thụy vẫn gắn liền với những chiếc siêu xe và đại gia này còn được vay hàng nghìn tỷ đồng xây nhà máy xi măng tại Nam Giang (Quảng Nam).

 

Bên cạnh nhà máy này, Tập đoàn Xuân Thành còn có các nhà máy xi măng khác như Xi măng Xuân Thành ở Hà Nam công suất 4,5 triệu tấn.

 

Có lẽ, bầu Thụy giờ đây dường như lại quay về bến đỗ cũ là xi măng. Nhìn vào số tiền mà bầu Thụy đầu tư vào lĩnh vực này có thể thấy đây mới là trọng điểm quan tâm của ông.

 

Tuy nhiên, có một thực tế không thể chối cãi là xi măng đang gặp nhiều khó khăn do thị trường BĐS trầm lắng, ngành phát triển nóng dẫn đến khủng hoảng thừa. Hiện có rất nhiều DN xi măng đầu tư lớn nhưng vẫn thua lỗ khủng.

 

Theo Mạnh Hà

VEF
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước