1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Điều tra sức khỏe của 5 triệu hộ kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ trên toàn quốc

An Linh

(Dân trí) - Theo tin từ Tổng cục Thống kê, cơ quan này đang tổ chức điều tra sức khỏe của hơn 5 triệu cơ sở sản xuất, kinh doanh trên khắp cả nước để nắm rõ tình hình của họ trước, trong và sau đại dịch Covid-19.

Theo ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê, cuộc tổng điều tra kinh tế lần này là giai đoạn 2 nhằm đánh giá chính xác sức khỏe, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, trên cơ sở đó đề xuất các bộ, ngành, địa phương các giải pháp hỗ trợ người sản xuất, kinh doanh.

Điều tra sức khỏe của 5 triệu hộ kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ trên toàn quốc - 1

Có hơn 5 triệu hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ sẽ nằm trong phạm vi, đối tượng điều tra sức khỏe kinh tế năm nay (Ảnh minh họa).

"Tổng điều tra kinh tế nhằm thu thập thông tin cơ bản từ các doanh nghiệp, hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp, hiệp hội; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng về tình hình sản xuất kinh doanh, kinh tế số, thương mại điện tử và sản phẩm đặc thù của các ngành và địa phương. Kết quả Tổng điều tra phục vụ đánh giá toàn diện thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, là căn cứ để xây dựng Chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", ông Tiến nhấn mạnh.

Về thời gian thực hiện cuộc tổng điều tra kinh tế lần thứ 2, Tổng cục Thống kê cho biết sẽ thực hiện một tháng, tính từ ngày 1/7. Các cơ sở kinh doanh, tôn giáo, tín ngưỡng cũng nằm trong phạm vi kiểm tra, đánh giá.

Theo thông tin, các cơ sở kinh doanh bao gồm: kinh doanh nhỏ lẻ mây tre đan, đồ gỗ, gốm sứ, sản xuất gia đình trong nhóm đối tượng để điều tra. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được điều tra trên mẫu sẵn có, trên các thiết bị điện tử và thiết bị số liệu khác nhau, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh không phải trả bất kỳ chi phí nào.

Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho biết, hết 6 tháng, Việt Nam có hơn 70.200 doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh, phá sản do khó khăn bởi đại dịch Covid-19, bình quân mỗi tháng có hơn 11.700 doanh nghiệp rời bỏ thị trường.

Con số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến khó lường, tấn công trực tiếp các đầu tàu kinh tế và các khu, cụm công nghiệp lớn của đất nước.

Chia sẻ thêm về nguyên nhân doanh nghiệp khó khăn, phá sản, ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) - cho biết: "Dịch Covid-19 lần thứ 4 tác động nặng nề tới cộng đồng doanh nghiệp. Sau 1,5 năm, khá nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận bỏ cuộc".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm