1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Tổng cục Thống kê: GDP tăng cao nhưng không bất thường

An Linh

(Dân trí) - Trước những ý kiến trái chiều về con số tăng trưởng quý II là 6,61% và 6 tháng đầu năm 5,64%, đại diện Tổng cục Thống kê khẳng định không có gì bất thường.

Theo đó, ông Lê Trung Hiếu - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) - cho rằng, trong quý II, tăng trưởng của nền kinh tế nhờ nhiều vào động lực tăng trưởng của ngành chế biến chế tạo (ước tăng 11,42%).

Trước đó, Tổng cục Thống kê công bố số liệu GDP quý II là 6,61% và 6 tháng là 5,64%, mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước và cả năm 2020 dù trong bối cảnh Việt Nam luôn phát hiện các ca bệnh tại các trung tâm công nghiệp, kinh tế lớn cả nước như Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội và TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai..

Ông Hiếu cho rằng, kết quả tăng trưởng quý II và 6 tháng so sánh với mức tăng GDP của quý II/2020 ở mức rất thấp, do thời điểm đó Việt Nam chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, trong đó các ngành công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng rất thấp.

Tổng cục Thống kê: GDP tăng cao nhưng không bất thường - 1

Tổng cục Thống kê khẳng định, tăng trưởng quý 2 và 6 tháng năm 2021 không bất thường (Ảnh minh họa)

Để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2021 là 6,1% sẽ là thách thức rất lớn. Theo đó, 6 tháng cuối năm cần đạt mức tăng GDP là trên 7%.

Đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm dần quý II, các khu công nghiệp Bắc Ninh, Bắc Giang chịu ảnh hưởng lớn của đợt dịch vừa qua. Tháng 4, chỉ số sản xuất công tăng 26,4%, tháng 5 11,4%, tháng 6 đạt 10%.

Tuy vậy, ông Hiếu cho biết sức cầu thế giới đang phục hồi mạnh. Nhiều nền kinh tế lớn thế giới phục hồi sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất của DN Việt Nam, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển.

"Tổng cục Thống kê sẽ liên tục cập nhật kịch bản tăng trưởng để Chính phủ chỉ đạo điều hành, chỉ đạo các tỉnh có giải pháp phù hợp từng ngành, từng lĩnh vực để có bước tăng trưởng cao nhất", ông Hiếu nói.

Về nguyên nhân hơn 70.200 doanh nghiệp khó khăn, phá sản 6 tháng qua, ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) - cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, có tới 70.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.

"Dịch Covid-19 lần thứ 4 tác động nặng nề tới cộng đồng doanh nghiệp. Sau 1,5 năm, khá nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận bỏ cuộc", ông Thúy chia sẻ.

Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, đại dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tấn công mạnh, trực diện vào các trung tâm kinh tế đầu não của Việt Nam, trong đó nơi phát sinh là các khu công nghiệp như: Hà Nội, TPHCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương… gây ra những hệ quả lớn đối với bản thân doanh nghiệp và nền kinh tế.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Giang. Cụ thể, Covid-19 khiến chỉ số sản xuất công nghiệp Bắc Giang chỉ tăng 9% trong 6 tháng 2021, trong khi dự kiến có thể tăng 30-40%, Bắc Ninh chỉ tăng trên 10%, thay vì con số dự kiến gần 20%.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, bước sang quý III, kinh tế - xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Do đó, kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" là thách thức lớn.