1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Điều kiện mới, Việt Nam cần “cai bầu sữa” ODA?

(Dân trí) - Dù vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) đã bổ sung vốn đầu tư lớn cho Việt Nam hơn 20 năm qua, nhưng trong điều kiện mới, Việt Nam cần có các phương án tránh lệ thuộc dòng vốn này, để chuyển qua các kênh đầu tư khác, ưu việt hơn.

Điều kiện mới là Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình, nên vốn ODA dưới hình thức đi vay nợ chiếm 90%. 3/4 vốn ODA đổ vào xây dựng cầu đường, công nghiệp nhưng vốn tài trợ không hoàn lại chỉ chiếm 0,5 - 1%. Nghị quyết 15 về hợp tác công tư (PPP) trong xây dựng cơ sở hạ tầng mới được Chính phủ ban hành được nhận định đã đủ các điều kiện thay thế hình thức đầu tư 100% Nhà nước và vốn ODA cho các lĩnh vực này…

Dự án Đại lộ Đông - Tây (TPHCM) sử dụng vốn ODA của Nhật Bản gần 10.000 tỷ đồng 

Dự án Đại lộ Đông - Tây (TPHCM) sử dụng vốn ODA của Nhật Bản gần 10.000 tỷ đồng 
được xem là điển hình cho tham nhũng, tiêu cực của các dự án ODA tại Việt Nam

Hơn 93% vốn ODA hiện là vay nợ 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Trong những nằm gần đây, vốn ODA vào Việt Nam đang giảm dần. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), từ năm 1993 - 2012, Việt Nam đã nhận được 80 tỷ USD vốn ODA, năm 2013 là 6,5 tỷ USD, năm 2014 là 4 tỷ USD. 

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển thế giới (OECD), nơi quy tụ 13 nước giàu nhất thế giới đảm nhiệm cho vay ODA, việc giảm vốn ODA là do Việt Nam đã có thu nhập bình quân/người ở mức trung bình, do đó các ưu đãi về ODA sẽ ít đi. Đơn cử, ODA dành cho các nước đang và chậm phát triển có tỷ lệ không hoàn lại 25% trong tổng vốn ODA. Nhưng các nước đã sang ngưỡng thu nhập trung bình, tỷ lệ này chỉ còn dưới 10%, lúc này vốn ODA chủ yếu là vay nợ.

Cụ thể, giai đoạn 1993 - 2012, 20% tỷ lệ vốn vay ODA là viện trợ không hoàn lại. Nhưng hiện nay, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 7%. Lãi suất các khoản vay ODA cũng thường dao động từ 0,25 - 2%/năm. 

Như trường hợp Việt Nam, trong gói 80 tỷ USD vốn ODA giai đoạn 1993 - 2012, viện trợ không hoàn lại là 7 tỷ USD. Đến năm 2013, con số này là 366 triệu USD và năm 2014 là 60 triệu USD.

Bên cạnh đó, nguồn vốn ODA đa phương cho Việt Nam càng ít đi thay vào đó là nguồn vốn viện trợ song phương. Hiện Nhật Bản, WB, ADB, Pháp, Hàn Quốc là những nước, tổ chức cho Việt Nam vay ODA nhiều nhất. Tính đến năm 2012, Nhật Bản đã cho Việt Nam vay 19,8 tỷ USD, WB là 20 tỷ USD, ADB là 14,3 tỷ USD, Pháp là 3,9 tỷ USD, Hàn Quốc là 2,3 tỷ USD… 

Tuy nhiên, với nguồn vốn ODA song phương này, các yêu sách cũng cụ thể hơn, theo đó, nước nhận ODA khi đầu tư các công trình đều phải sử dụng nhà thầu, tư vấn thiết kế, hàng hóa, linh phụ kiện của nước cho vay. 

Về lĩnh vực tiếp nhận ODA thì giao thông vận tải và năng lượng, công nghiệp, xóa đói giảm nghèo vẫn là những ngành thu hút vốn ODA nhiều nhất. Tuy nhiên, mức độ ưu đãi cũng khác nhau. Dù ODA đổ vào Giao thông vận tải, công nghiệp chiếm đa số nhưng tỷ lệ phần trăm vốn vay không hoàn lại rất thấp, chỉ đạt dưới 0,5%. Số vốn ODA có tỷ lệ không hoàn lại cao chỉ tập trung vào các lĩnh vực như xóa đói giảm nghèo, môi trường, y tế,.. chiếm tỷ lệ khoảng 1 - 2%. 

Phải coi ODA là" vay trả", không phải cho không!

Tính đến nay, Việt Nam đã nhận ODA được 22 năm (từ năm 1993), thời gian trả nợ trung bình của ODA là 30 năm, như vậy nghĩa vụ trả nợ của Việt Nam đang đến gần hơn và lớn hơn, đặc biệt trong bối cảnh nợ công của Việt Nam đang lớn. 

Theo đồng hồ nợ công thế giới, nợ công của Việt Nam đã đạt 88 tỷ USD, nợ công bằng 46,7% GDP và mỗi người dân Việt Nam đang phải gánh 974 USD (20 triệu đồng) nợ công. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam có cần tiếp tục nhận các nguồn vốn ODA nữa hay không khi nguồn vốn này đang có nhiều hạn chế.

Ông Dương Đức Ưng, nguyên Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại - Bộ KH&ĐT nhận định: Việt Nam vẫn rất cần ODA. Các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo của nước ta cần lượng vốn lớn, lại khó thu hút vốn từ tư nhân vì thời gian thu hồi vốn dài và chậm, trong khi đó, vốn ODA lại đáp ứng đủ các yêu cầu trên...  “Điều quan trọng hiện nay là phải coi ODA là “vay và trả” và phải sử dụng nguồn vốn này phải thật hiệu quả bởi “không có chuyện ai cho không ai”, ông Ưng nhấn mạnh. 

Còn theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: “Với ODA song phương, các nước cho vay thường chỉ định tổng thầu, vật liệu cũng như kỹ thuật thi công của mình, chính vì thế giá các công trình ODA sẽ rất cao do có yếu tố độc quyền”. Chính vì vậy, theo ông Thành, các nước nhận vốn ODA đều phải chịu cảnh mua nguyên liệu giá đắt, nhường các gói thầu cho nước ngoài thậm chí hiện nay còn nhường cả việc làm cho các kỹ sư, lao động người nước ngoài nên hiệu ứng lan tỏa của vốn ODA rất thấp. 

Còn TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Chính phủ mới ban hành cơ chế hợp tác công tư (PPP) tại Nghị quyết 15/2015/NĐ-CP về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Đây là phương thức đầu tư có thể thay thế phần lớn vốn ODA vào đường sá, năng lượng và công nghiệp. 

Ông Cung nhấn mạnh, nhiều nước như Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore đã sử dụng cơ chế hợp tác Nhà nước - tư nhân trong xây dựng đường sá, cầu cống, sân bay, bến cảng rất hiệu quả và thay thế tốt cho vốn đầu tư 100% của Nhà nước và vốn ODA vào lĩnh vực này. Cơ chế PPP tạo ưu điểm là đem lại nhiều hơn công ăn, việc làm cho doanh nghiệp cũng như lao động trong nước và ít phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Chúng ta cần khuyến khích cơ chế đầu tư này hơn bởi dẫu sao thì các dự án ODA đang có nhiều hơn những yếu tố bất lợi cho nước đi vay và hiệu ứng lan tỏa đầu tư đang ở mức thấp.

Nguyễn Tuyền

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm