Điều kiện kinh doanh hàng không: Khi Nghị định “đá” Luật

Nghị định 92 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, theo nhiều luật sư, có những quy định khó hiểu, thậm chí “ đá” Luật Hàng không dân dụng, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, an toàn hàng không.

Có thể nói, chưa bao giờ câu chuyện về làm luật lại “nóng” như gần đây, nhất là từ 1/7/2016, gần 3.300 điều kiện kinh doanh hiện được quy định tại 170 Thông tư, Quyết định sẽ bị huỷ bỏ, hết hiệu lực. Trong vòng 1 năm kể từ khi Luật Đầu tư mới có hiệu lực (kể từ 1/7/2015), các quy định cần thiết sẽ được chuyển đổi, nâng cấp lên Nghị định.

Chính vì quá gấp gáp nên một số luật, nghị định, ngay từ khi còn dự thảo, đã bị dư luận phản ứng vì chất lượng kém, hay gây phản ứng trái chiều vì thiếu tính khả thi.

Đơn cử, Bộ Luật hình sự 2015 phải lùi thời hạn thi hành vì quá nhiều sai sót về kỹ thuật, hay Thông tư 20 quy định về nhập khẩu ô tô loại 9 chỗ ngồi trở xuống, mặc dù hết hiệu lực nhưng vẫn chưa rõ có bị bãi bỏ hay không,... Và gần đây nhất là Nghị định 92/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, cũng gây ra nhiều tranh cãi.

Điều kiện kinh doanh hàng không: Khi Nghị định “đá” Luật - 1

Xuất hiện các khái niệm mới không có trong Luật

Luật Hàng không dân dụng (HKDD) Việt Nam năm 2006 đã tách và giao Chính phủ quy định việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không (khoản 5 Điều 110), Giấy phép kinh doanh hàng không chung (khoản 3 Điều 199); không tổ hợp 2 danh mục công việc khác thứ nguyên (đơn vị đo lường) với nhau. Cách phân chia này phù hợp với thông lệ các nước và các điều ước quốc tế về hàng không.

Trước đó, Nghị định 30/2013/NĐ-CP ngày 08/4/2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung cũng phân biệt giữa kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung. Mỗi loại hoạt động này có những đặc thù nên điều kiện, thủ tục đăng ký và cấp phép cũng được quy định khác nhau.

Các hiệp định hàng không đã ký giữa Việt Nam với các nước cũng phân định rất rõ về vận chuyển hàng không và hàng không chung.

Trong khi đó, theo nhiều luật sư, Nghị định 92/2016/NĐ-CP lại thêm vào khái niệm mới là “kinh doanh vận tải hàng không”. Khái niệm này không có trong Luật HKDD Việt Nam và Nghị định 30/2013/NĐ-CP.

Theo định nghĩa tại Điều 3 của Nghị định 92 thì “Kinh doanh vận tải hàng không bao gồm hai hình thức kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung”. Điểm này trái với Luật Hàng không Việt Nam tại khoản 1 Điều 198. Điều kiện hoạt động hàng không chung.

“Hoạt động hàng không chung là hoạt động sử dụng tàu bay để thực hiện các chuyến bay trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng và các lĩnh vực kinh tế khác, phục vụ tìm kiếm, cứu nạn, cấp cứu, cứu hộ, y tế,... và các hoạt động bay dân dụng khác không nhằm mục đích vận chuyển công cộng hành khách, hành lý, hàng hoá, bưu gửi”.

Khái niệm này không có nội hàm mới mà chỉ mang tính chất tổ hợp, liệt kê. Với những người am hiểu lĩnh vực hàng không thì khái niệm “kinh doanh vận tải hàng không” hoàn toàn xa lạ và khiến cho các quy định của pháp luật về hàng không vốn đã phức tạp lại càng phức tạp thêm.

Việc đưa khái niệm “kinh doanh vận tải hàng không” vào Nghị định 92 xuất phát từ một lý do đơn giản là cụm từ này được sử dụng trong Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục 4 của Luật đầu tư năm 2014. Nhưng Luật HKDD Việt Nam là luật chuyên ngành điều chỉnh lĩnh vực kinh doanh hàng không, cho nên các khái niệm trong lĩnh vực kinh doanh hàng không phải sử dụng thống nhất theo Luật này. Tại Điều 3 Luật HKDD Việt Nam cũng quy định: “Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của luật này với quy định của Luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng thì áp dụng quy định của Luật này”.

Do vậy, Nghị định 92/2016/NĐ-CP “đá” Luật HKDD Việt Nam.

Tù mù khi áp dụng

Luật HKDD Việt Nam và Nghị định 30/2013/NĐ-CP đều quy định tách bạch điều kiện hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung. Trong khi đó, Điều 5 Nghị định 92/2016/NĐ-CP quy định về “Điều kiện kinh doanh vận tải hàng không”. Quy định này khiến cho nhiều người lầm tưởng rằng đây là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới, trong khi theo các luật chuyên ngành thì không có ngành nghề nào là “vận tải hàng không”.

Tuy nhiên, tại các Điều 10, 11 và 12 Nghị định 92 lại quy định thủ tục cấp, cấp lại và hủy bỏ Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung. Như vậy, ngay nội dung Nghị định 92 đã có nhiều điểm mâu thuẫn, khiến cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và doanh nghiệp rất khó áp dụng.

Thậm chí, công tác soạn thảo Nghị định này có nhiều sơ suất, sử dụng cụm từ không thống nhất. Ví dụ thuật ngữ kinh doanh vận tải hàng không được sử dụng 19 lần rồi lại chuyển sang gọi là kinh doanh vận chuyển hàng không (29 lần).

Dưới góc nhìn chuyên môn, đa phần các chuyên gia đều cho rằng quy định như trong Luật HKDD và Nghị định 30 là rõ ràng và dễ áp dụng hơn Nghị định 92. Nay với việc hai nghị định này song song tồn tại thì sẽ là một ma trận đối với doanh nghiệp kinh doanh hàng không.

Nguyệt Hà