Điều hành kinh tế kiểu “giật cục”, hết nóng chuyển sang lạnh cần được loại bỏ
(Dân trí) - Bối cảnh năm 2017 còn nhiều phức tạp, khó đoán định, tương lai TPP chưa rõ ràng trong khi đó, Việt Nam chưa thể hiện rõ tâm thế với các hiệp định như TPP và RCEP. Bối cảnh ấy sự chậm trễ, thiếu hiệu quả trong cải thiện thể chế trong nước đang được bộc lộ rất rõ nét.
Báo cáo Kinh tế Việt Nam quý I/2017 được Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra mới đây đã chỉ rõ nguyên nhân khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm, dưới mức kỳ vọng. Song những gợi mở sự tăng trưởng bền vững hơn, dài hạn hơn đang được đón đợi.
Tăng trưởng bình quân ba quý sau phải đạt 7% trở lên
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, kinh tế trong nước quý I có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại đạt 5,12%, thấp hơn cùng kỳ 2 năm trước đó. Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2017 (6,7%) thì tốc độ tăng trưởng trong 3 quý cuối năm đều phải đạt 7% trở lên.
Điều này tạo áp lực lớn cải cách và phát triển bởi trong quý vừa qua, ngoài lo ngại khu vực nông nghiệp giảm tăng trưởng, khu vực công nghiệp - xây dựng cũng ghi nhận sự suy giảm rõ nét chỉ đạt 6,1%, thấp hơn mức tăng 9,9% cùng kỳ năm trước. Giá trị gia tăng của khu vực công nghiệp chỉ tăng 4,17% trong quý I, mức thấp nhất kể từ năm 2010.
Những nguyên nhân khiến GDP tăng thấp là do việc điều chỉnh giá thời gian qua vẫn gây nhiều hệ lụy làm lạm phát khó giảm, tổn phí của doanh nghiệp (DN) và người dân tăng lên. Công tác điều hành giá và điều phối chính sách có nhiều điểm chưa hợp lý. Chi phí giá của nhiều dịch vụ công tăng cao như: giao thông, y tế, giáo dục... khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng, lạm phát tăng mạnh trở lại.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Đình Cung cũng khẳng định: Tư duy về xây dựng Nhà nước kiến tạo gần đây cũng có những chuyển biến thực chất làm thay đổi trong phương thức điều hành kinh tế vĩ mô. Người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh đến tăng trưởng thực chất, bền vững, không đánh đổi bằng những thành tích ngắn hạn.
"Đây là điều đáng mừng, nó cho thấy Chính phủ ngày càng nhìn vào thẳng vấn đề hơn, không chỉ nhìn vào con số hoa mỹ nữa. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã chú trọng nhiều hơn đến các mục tiêu, chỉ tiêu liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ cộng đồng DN", ông nói.
Theo khuyến nghị của CIEM, để đạt được các mục tiêu thu hút đầu tư, tạo tăng trưởng thời gian tới Chính phủ, các bộ ngành không nên ưu tiên đầu tư vào các dự án lớn mà bỏ qua các dự án nhỏ và vừa, ít tạo nguồn thu trực tiếp cho ngân sách. Không được khai thác tài nguyên trong bối cảnh giá xuống thấp để bù đắp nguồn thu. Việc cân đối tài khóa nên chú trọng vào cắt giảm chi cho bộ máy hành chính, chi thường xuyên của bộ, ngành, đặc biệt ở địa phương. Điều này đã và đang được hiện thực hóa cao độ.
Gần đây xuất hiện tận thu dưới các hình thức tăng phí (chẳng hạn, thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt hay các khoản thu thuộc vùng “có thể thu” nay trở thành các khoản phải thu, phải nộp, cuối cùng là tăng phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP). Điều này đã và đang đi ngược lại với tư duy "nuôi dưỡng" DN, nuôi dưỡng nguồn thu tương lai bền vững, hiệu quả.
Quản lý kiểu "giật cục", hết "nóng chuyển sang" lạnh cần được loại
Các chuyên gia của CIEM chỉ rõ, có thể thấy, cách thức và các các công cụ điều hành phát triển kinh tế - xã hội của các cơ quan Nhà nước hiện nay vẫn thiên về can thiệp, kiểm soát hành chính hơn là dựa trên các công cụ thị trường.
Theo ông Cung, cơ chế điều hành hiện nay chủ yếu theo hướng xin - cho, cầm tay chỉ việc. Điều này cản trở tư duy chiến lược và cải cách, không nâng đỡ sáng tạo, làm méo mó thị trường, méo mó phân bổ nguồn lực, tiếp tục làm giảm năng suất và hiệu quả đầu tư.
"Cách thức điều hành bị cuốn theo mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn, trung gian, chưa phải là mục tiêu cuối cùng sát với người dân và cộng đồng DN trong nước. Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương dành quá nhiều thời gian thảo luận không cốt lõi, không có nội dung cụ thể, do vậy hiệu quả và hiệu lực không cao. Trong quá trình điều hành, thường sử dụng các chính sách ngắn hạn để thúc đẩy tăng trưởng, sử dụng quá nhiều chính sách tiền tệ làm thay vai trò của chính sách tài khóa", báo cáo của Viện CIEM điểm rõ.
"Hiện tư duy điều hành nền kinh tế vẫn theo lối “giật cục”, hết "nóng chuyển sang lạnh" và ngược lại như: chính sách đối với ô tô, lãi suất với bất động sản, hay tung các công cụ như phát hành trái phiếu, đảo nợ... Hệ lụy, là tăng trưởng không tận dụng hết tiềm năng, lạm phát trung bình ở mức cao và không ổn định. Đối với mục tiêu tăng trưởng, cần tập trung vào các chính sách, cải cách nâng cao năng suất; đó là những thay đổi làm cải thiện “phần cung” của nền kinh tế; thay vì tập trung vào thay đổi các yếu tố tổng cầu như lâu nay vẫn làm", TS Cung nhấn mạnh.
Viện trưởng CIEM đề nghị: Cần nhấn mạnh và loại bỏ ngay tư duy điều hành kể trên, loại bỏ cơ chế độc quyền nhà nước, độc quyền về giá và đặc quyền do thể chế tạo ra. Muốn tăng nguồn thu, nguồn lực cho tăng trưởng, cần tháo bỏ các rào cản; cắt giảm các chi phí cho DN, cụ thể các chi phí liên quan đến thủ tục hành chính, chi phí dịch vụ logistics, chi phí đất đai, từng bước giảm lãi suất ngân hàng...
Nguyễn Tuyền