Điều gì xảy ra với kinh tế Anh sau khi ông Boris Johnson từ chức Thủ tướng?

Nhật Linh

(Dân trí) - Theo Reuters, việc Thủ tướng Anh Boris Johnson từ chức sẽ làm sâu sắc thêm tình trạng bất ổn của nền kinh tế Anh, vốn đang chịu sức ép của lạm phát cao, nguy cơ suy thoái và vấn đề Brexit.

Cuộc đua thay thế vị trí của ông Johnson có thể kéo dài hàng tuần. Điều đó sẽ khiến nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới có nguy cơ bất ổn hơn khi đồng bảng Anh ở mức gần thấp nhất trong 2 năm so với đồng USD và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đang lưỡng lự với việc tăng lãi suất mà không gây tổn hại cho hoạt động kinh tế.

Điều gì xảy ra với kinh tế Anh sau khi ông Boris Johnson từ chức Thủ tướng? - 1

Cuộc đua thay thế vị trí của ông Johnson có thể kéo dài hàng tuần khiến nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới có nguy cơ bất ổn hơn (Ảnh: Getty).

Trước đó, bà Theresa May có gần 3 tuần để đắc cử vào chức Thủ tướng sau khi ông David Cameron từ chức vào năm 2016. Nhưng ông Johnson phải mất 2 tháng mới trở thành Thủ tướng nước Anh sau khi bà May thông báo ý định từ chức vào năm 2019.

Vậy trong thời gian chờ đợi người kế nhiệm, điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế Anh?

Lạm phát

So với nhiều nước khác, Anh đang chịu áp lực lạm phát tăng cao nhất trong 40 năm, ở mức 9,1%. BOE cho rằng, lạm phát sẽ lên mức 11% vào cuối năm nay.

Hồi tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết Anh sẽ đối mặt với tình trạng lạm phát dai dẳng cũng như tăng trưởng chậm hơn so với các nền kinh tế lớn khác trong năm 2023.

Ngoài ra, sự sụt giảm gần đây của đồng bảng Anh cũng gia tăng thêm áp lực lên lạm phát, dù triển vọng chi tiêu công và cắt giảm thuế đã đẩy đồng bảng Anh nhích nhẹ trong phiên hôm qua.

Nhưng bất kỳ ai thay thế ông Johnson cũng phải làm rất nhiều việc để bù đắp những tác động do giá năng lượng và thực phẩm toàn cầu tăng cao.

Chính sách tài khóa

Bất kỳ ai kế nhiệm ông Johnson đều phải đưa ra những quyết sách lớn về thuế và chi tiêu để giảm nguy cơ suy thoái nhưng có thể cũng sẽ làm gia tăng sức nóng lạm phát cho nền kinh tế.

Khi từ chức Bộ trưởng Tài chính vào ngày 5/7, ông Rishi Sunak cũng cho biết ông đã bất đồng về chính sách cắt giảm thuế của ông Johnson. Trong khi đó, ưu tiên ngắn hạn trước khi từ chức của ông Sunak là giảm bớt gánh nặng nợ của Anh, vốn đã vọt lên trên 2.000 tỷ bảng, trong thời kỳ đại dịch.

Các nhà phân tích tại Citibank của Mỹ cho rằng họ hy vọng các ứng cử viên lãnh đạo của Đảng Bảo thủ là Priti Patel và Liz Truss, người từng giữ chức Bộ trưởng Nội vụ và Ngoại trưởng trong chính quyền của ông Johnson, có thể kêu gọi cắt giảm thuế nhanh hơn và chi tiêu cao hơn. Trong khi ông Sunak và cựu Bộ trưởng Y tế Sajid Javid dường như thận trọng hơn về mặt tài chính.

Cơ quan giám sát ngân sách của Anh hôm qua cho biết nợ của nước này có thể tăng hơn gấp 3 lên gần 320% GDP trong thời gian 50 năm nếu các chính phủ trong tương lai không thắt chặt chính sách tài khóa.

Vấn đề Brexit

Hơn 6 năm sau khi Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) (Brexit), London và Brussels vẫn lúng túng về vấn đề thương mại liên quan đến Bắc Ireland vì ông Johnson nhất quyết đòi soạn lại các quy tắc mà ông đã đồng ý năm 2019.

Do vậy, khả năng cải thiện quan hệ với EU dưới thời Thủ tướng mới khiến một số nhà kinh tế kỳ vọng xuất khẩu và đầu tư của Anh sẽ mạnh hơn, mặc dù bất kỳ sự thay đổi nào trong quan hệ thương mại nói chung giữa Anh và EU cũng có thể rất khiêm tốn.

Mặt khác, một số ứng cử viên hàng đầu thay thế ông Johnson như Ngoại trưởng Truss, cũng là người công khai ủng hộ lập trường đối đầu với EU.

Ngân hàng Trung ương Anh

Ngân hàng trung ương Anh đã tăng lãi suất 5 lần kể từ tháng 12 năm ngoái, đợt tăng lãi suất cao nhất trong 25 năm. Cơ quan này cũng báo hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất, có thể thêm 0,5%, trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 8.

Nhưng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu gần đây đã làm giảm sự đặt cược của nhà đầu tư vào các động thái lớn này của BOE. Sự không chắc chắn về định hướng chính sách tài khóa của Anh có thể là một lý do khác để họ thận trọng.

Hỗn loạn chính trị hơn?

Mặc dù sự ra đi của ông Johnson đã chấm dứt một chương nữa của một trong những giai đoạn hỗn loạn nhất trong lịch sử chính trị hiện đại của Vương quốc Anh, song nhiều người vẫn xem liệu người kế nhiệm ông có thể xoa dịu mọi thứ hay không.

Nhà phân tích Kallum Pickering tại Berenberg cho rằng, nền kinh tế Anh sẽ được lợi nếu người thay thế ông Johnson là "một cá nhân siêng năng và nghiêm túc hơn".

Tuy nhiên, các nhà phân tích của Citi lại hoài nghi rằng các phe phái khác nhau trong đảng Bảo thủ sẽ thống nhất theo một chiến lược rõ ràng. "Trong những tháng tới, chúng ta sẽ chứng kiến một Vương quốc Anh mà mức sống bị bóp nghẹt, không có chiến lược xác định và phải đối mặt với sự chia rẽ sâu sắc của chính phủ. Do đó, nguy cơ mắc sai lầm về chính sách là rất lớn", họ nói và cho rằng một cuộc bầu cử sớm sẽ không được tính đến.

Theo Reuters