Điều chỉnh vốn sở hữu Nhà nước tại một loạt đơn vị dầu khí

(Dân trí) - Thủ tướng yêu cầu từ năm 2015 - 2017, PVN phải thực hiện chuyển nhượng phần vốn góp của PVN và chuyển đổi công ty TNHH một thành viên Lọc hoá dầu Bình Sơn thành công ty TNHH hai thành viên.

Thoái vốn tại Lọc dầu Dung Quất
 
Thoái vốn tại Lọc dầu Dung Quất

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định điều chỉnh, bổ sung Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giai đoạn 2012 - 2015.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu từ năm 2015 - 2017, PVN phải thực hiện chuyển nhượng phần vốn góp của PVN và chuyển đổi công ty TNHH một thành viên Lọc hoá dầu Bình Sơn thành công ty TNHH hai thành viên. Theo đó, PVN sẽ nắm 51% vốn điều lệ hoặc thực hiện cổ phần hoá Công ty này, PVN sẽ nắm giữ tối thiểu 65%.

Hiện tại, theo những thoả thuận đã ký kết, công ty con của Tập đoàn khí đốt quốc doanh Gazprom là Gazprom Neft đang trong quá trình đàm phán với phía Việt Nam để mua 49% cổ phần doanh nghiệp vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất của công ty Bình Sơn.

Thuộc tập đoàn Gazprom, hiện Gazprom Neft là một trong những công ty dầu khí hàng đầu của Nga. Gazprom đang sở hữu trên 70 giấy phép khai thác dầu ở Nga với sản lượng đạt trên 60 triệu tấn/năm và có 5 nhà máy lọc dầu với công suất 40 triệu tấn/năm.

Trong khi đó, đi vào hoạt động năm 2010, nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ tại Việt Nam.

Thay đổi sở hữu tại một loạt đơn vị khác

Ngoài ra, quyết định của Thủ tướng cũng yêu cầu PVN phải thoái vốn tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) xuống còn 36% vốn điều lệ. Hiện PVN đang nắm giữ hơn 218 triệu cổ phiếu PVX, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 54,54%.

Được biết, quý I/2015, doanh thu thuần hợp nhất của PVX đạt 2.568 tỷ đồng, tăng 86% cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 5,9 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến thời điểm cuối quý I đạt hơn 3.274 tỷ đồng và nợ ngắn hạn đến thời điểm này vẫn hơn 10.600 tỷ đòng, xấp xỉ bằng tại sản ngắn hạn.

Quyết định của Thủ tướng cũng yêu cầu PVN điều chỉnh tỷ lệ vốn nắm giữ tại Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí lên 51%, tiếp tục nắm giữ 25,34% vốn điều lệ của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Dầu khí, điều chỉnh nâng tỷ lệ vốn tại công ty TNHH Hoá Dầu Long Sơn lên 29%.
 
Theo báo cáo mới đây của Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí, dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) có vốn đầu tư 2,7 tỷ USD có nhiều khả năng chậm tiến độ. Việc sáp nhập nhà đầu tư QPI (Qatar Petroleum International) - đối tác góp vốn trong Công ty TNHH Lọc dầu Long Sơn vẫn đang được tiến hành. Do đó, QPI vẫn chưa cử nhân sự tham gia Lọc dầu Long Sơn. 
Phương Dung
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”