“Điều chỉnh tỷ giá giúp giải tỏa tâm lý đầu cơ, găm giữ USD”

(Dân trí) - BSC nhận định, trong ngắn hạn, việc điều chỉnh tỷ giá đã giúp giải tỏa tâm lý đầu cơ, găm giữ USD, song về trung hạn, áp lực lên tỷ giá trong hơn 7 tháng còn lại vẫn còn khi xu hướng nhập siêu ngày càng gia tăng.

Tỷ giá tự do ngày 6/5 đã có lúc lên trên 21.700 đồng mỗi USD - 
Tỷ giá tự do ngày 6/5 đã có lúc lên trên 21.700 đồng mỗi USD - Ảnh minh họa

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) vừa có nhận định về động thái tăng tỷ giá thêm 1% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ 21.458 đồng lên 21.673 đồng/USD ngày 7/5. Đây là động thái can thiệp đầu tiên của NHNN sau khi tỷ giá biến động tăng mạnh mà đỉnh điểm là giao dịch tại mức trần trong vài ngày gần đây.

Cụ thể, trong hai ngày 5/5 và 6/5, tỷ giá ngân hàng đã liên tục có những biến động gia tăng căng thẳng và neo ở quanh mức trần. Tỷ giá tự do ngày 6/5 đã có lúc lên trên 21.700 đồng mỗi USD. 

Theo BSC, việc phá giá thêm 1% nữa hầu hết đều nằm trong sự chờ đợi của các nhà đầu tư và giới phân tích. Do đó, động thái giảm giá tiền đồng sáng 7/5 dù có sớm hơn một chút so với kỳ vọng của một số bên nhưng không phải quá bất ngờ và do đó sẽ ít tác động tới các thị trường tài chính (tác động đã phản ánh trước đó). Thị trường chứng khoán ngày 7/5 tăng điểm, VN-Index giữ mức trên 550 điểm.

Quyết định phá giá thêm 1%, theo BSC, cũng đồng nghĩa với việc NHNN đã sử dụng hết cam kết 2% điều chỉnh tỷ giá trong năm 2015. Do đó, NHNN trong thời gian còn lại của năm sẽ chủ động điều hành và cân đối cung cầu thận trọng và chặt chẽ hơn trên thị trường ngoại hối.

BSC nhận định, trong ngắn hạn, việc điều chỉnh tỷ giá đã giúp giải tỏa tâm lý đầu cơ, găm giữ USD của giới đầu cơ. Được biết, sau quyết định của NHNN thì tỷ giá trên thị trường đã giảm trở lại mức 21.660 VND/USD.

Trong trung hạn, theo BSC, áp lực lên tỷ giá trong hơn 7 tháng còn lại vẫn là vấn đề cần lưu tâm khi cán cân thương mại của Việt Nam đang quay trở lại tình trạng nhập siêu với tốc độ nhanh. 

Thâm hụt thương mại 4 tháng đầu năm 2015 đạt 3 tỷ USD (trong khi 4 tháng năm 2014 thặng dư thương mại 680 triệu USD). Xu hướng này dự báo vẫn tiếp tục trong thời gian tới do sự gia tăng nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị để sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, tỷ giá còn chịu áp lực bởi diễn biến đồng USD thế giới vẫn nằm trong xu hướng tăng và việc Fed nâng lãi suất sẽ tiếp tục khiến dòng vốn ngoại rút ròng.

Tuy nhiên, BSC cũng cho rằng vẫn có nhiều yếu tố tích cực sẽ giúp giảm bớt áp lực tỷ giá trong thời gian tới như: NHNN vẫn đủ khả năng điều tiết tỷ giá bởi dự trữ ngoại hối và cán cân thanh toán vẫn thặng dư (lần lượt là 36,7 tỷ USD và khoảng 3 tỷ USD). Ngoài ra, thời điểm nâng lãi suất của FED có khả năng lùi lại so với thời điểm tháng 6 dự kiến khiến áp lực tăng giá của đồng USD trên thị trường thế giới bớt căng thẳng.

Thêm vào đó, tâm lý thị trường cũng sẽ trở nên ổn định hơn, nhờ không còn kỳ vọng phá giá, kết hợp với nỗ lực bình ổn của NHNN sẽ giúp giảm tâm lý đầu cơ găm giữ ngoại tệ. Dòng vốn đầu tư vào Việt Nam đã, đang và dự kiến tăng trưởng ổn định, điều này giúp cho cung ngoại tệ được hỗ trợ một phần. Cùng với đó là yếu tố ổn định vĩ mô được ưu tiên trong bối cảnh bước sang chu kỳ chính trị mới.

Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”