Vấn đề kinh tế trong tuần:
Điện, xăng "rủ nhau" tăng giá, Chính phủ vào cuộc xem xét đúng, sai
(Dân trí) - Biểu giá điện theo bậc thang đã phù hợp? Mức tăng giá trên thực tế là bao nhiêu? Nhiều câu hỏi đã được nêu ra với ngành điện sau quyết định tăng giá vừa qua, tạo nên một làn sóng tranh luận trong công chúng. Dù EVN đã có văn bản trả lời, Thủ tướng vẫn yêu cầu Thanh tra Chính phủ và các bộ ngành liên quan vào cuộc xem xét, đánh giá.
Thủ tướng: Việt Nam chỉ hùng mạnh khi doanh nghiệp tư nhân có thể cạnh tranh toàn cầu
Phát biểu khai mạc phiên toàn thể Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019 được tổ chức tại Hà Nội ngày 2/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những doanh nghiệp tư nhân có thể cạnh tranh toàn cầu.
Tại sự kiện này, người đứng đầu Chính phủ khẳng định chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng là xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần. Mỗi một thành phần kinh tế đều đóng vai trò quan trọng phát triển kinh tế của nước ta.
Trong thành tựu của 30 năm đổi mới, ông đánh giá, kinh tế tư nhân nổi lên là lực lượng quan trọng phát triển kinh tế đất nước, chiếm hơn 40% GDP. Nhiều DN tư nhân khẳng định giá trị thương hiệu của mình và được người dân trong nước tin tưởng.
“Cần có đột phá về môi trường kinh doanh, hiện nay còn nhiều rào cản, đôi khi thể chế chính sách còn chưa theo kịp. Giải pháp đột phá sắp tới là gì. Nhà nước, DN cần làm gì với lộ trình ra sao? DN là người lăn lộn thực tế, thấy rõ nút thắt... Chúng tôi tới đây để lắng nghe ý kiến của doanh nhân”, Thủ tướng bày tỏ.
Thủ tướng yêu cầu kiểm tra lại việc đúng sai trong tăng giá điện
Sau đợt tăng giá điện hồi cuối tháng 3, nhiều hộ dân phản ánh hoá đơn tiền điện tăng “sốc” so với tháng 3. EVN đã có văn bản lý giải, nguyên nhân do thời tiết bắt đầu giai đoạn nắng nóng ở miền Nam và nồm ẩm ở miền Bắc khiến nhu cầu sử dụng điện của khách hàng tăng cao.
Tại TPHCM, mức sản lượng điện đỉnh (90,04 triệu kWh) cao hơn 10% so với mức đỉnh của năm 2018 và là mức tiêu thụ cao nhất đạt kỷ lục từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, với việc tăng giá bán điện được Bộ Công Thương công bố vào ngày 20/3/2019, mức độ tăng giá điện khi khách hàng sử dụng từ 50 kWh – 400 kWh có sự chênh lệch đáng kể (theo bậc thang).
Một lý do khác là số ngày sử dụng điện trong các kỳ hóa đơn tháng 4 (31 ngày) nhiều hơn so với kỳ hóa đơn tháng 3 (chỉ có 28 ngày).
Mặc dù vậy, trước nhiều thông tin khác nhau về tăng giá điện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua.
Các Bộ, ngành và cơ quan liên quan sẽ phải xem xét việc tăng giá và có kết quả báo cáo Thủ tướng vào tháng 6/2019.
Sau yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Công Thương đã thành lập 3 đoàn kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện do lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực làm Trưởng đoàn.
“Nếu cách tính giá điện của EVN sai, phải xin lỗi và khắc phục”
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng, người phát ngôn Bộ Công Thương
Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4, trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh vấn đề đang rất được dư luận quan tâm là việc tăng giá điện, cơ chế đánh giá tác động, việc kiểm tra đúng sai trong cách tính giá điện bậc thang... Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói Bộ này đang thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Ông Hải khẳng định, việc tăng giá điện của Bộ Công Thương căn cứ vào Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg về nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện của Chính phủ và Quyết định số 34/25/7/2017, về điều chỉnh khung giá điện bán lẻ được Chính phủ ban hành, xét điều kiện thực tiễn của EVN, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ phương án tăng giá điện 8,36% vào ngày 20/3.
Sau khi giá điện tăng khoảng 1 tháng, trên phương tiện thông tin đại chúng, hộ tiêu dùng điện tăng đột biến so với tháng trước đó. Các nguyên nhân đã được đưa ra và EVN đã có giải trình về hóa đơn tăng giá điện, cách tính giá điện theo bậc thang....
“Chúng tôi chia sẻ, thậm chí cảm thông trước bức xúc về hóa đơn tăng giá điện của người dân. Về phía Bộ Công Thương với chức năng quản lý Nhà nước, chúng tôi đã yêu cầu lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải tiếp nhận đầy đủ các kiến nghị của người dân, hộ tiêu dùng điện, có giải pháp xử lý thỏa đáng. Nếu cách tính giá điện bậc thang sai phạm , EVN phải xin lỗi, khắc phục ngay cho người dân”, ông Hải khẳng định.
Đóng dấu mật vào văn bản tăng giá điện để tránh tác động tâm lý người dân!
Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4/2019, trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh vì sao và cơ sở pháp lý nào Bộ Công Thương đề xuất đưa văn bản phương án tăng giá điện vào danh mục bí mật tài liệu của Nhà nước , Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: Mục đích để hạn chế lạm phát tâm lý và Bộ này có cơ sở pháp lý cho đề xuất trên.
Thứ trưởng Bộ Công Thương dẫn hai văn bản pháp quy. Cụ thể tại Khoản 5, Điều 2, Quyết định 106/2008 của Thủ tướng về danh mục bí mật nhà nước, độ tuyệt mật, tối mật trong ngành Công Thương, có nêu rõ văn bản Bộ Công Thương gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước để xin ý kiến chỉ đạo về chính sách hàng hóa, giá một số mặt hàng trọng yếu chưa công bố.
Một văn bản khác là tại Khoản 23, Điều 1, Thông tư 1534/2008 của Bộ Công an về Danh mục bí mật nhà nước, độ mật của ngành Công Thương quy định rất rõ các loại chỉ số về giá cả, phương án chỉ đạo về giá, điều chỉnh giá chưa công bố. Còn sau khi công bố thì hoàn toàn công khai, công có gì là mật.
EVN lý giải thế nào về việc gửi hơn 42.000 tỷ đồng trong ngân hàng không kỳ hạn?
EVN bị đặt vấn đề liệu có để lãng phí nguồn lực khi đem hơn 42.000 tỷ đồng gửi ngân hàng không kỳ hạn (lãi suất rất thấp)
“Để hơn 42.000 tỷ gửi không kỳ hạn ở ngân hàng và gần 20.000 tỷ đầu tư tài chính ngắn hạn, EVN có đang lãng phí các nguồn lực tài chính?” – đây là câu hỏi được đặt ra đối với lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trước số dư tiền gửi ngân hàng và vấn đề quản lý dòng tiền của tập đoàn này tại ngày 30/6/2018.
Trong văn bản phản hồi, EVN cho biết, số dư tiền gửi hơn 42.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6/2018 của EVN so với số dư nợ phải trả ngắn hạn tại cùng thời điểm (hơn 106.000 tỷ đồng) là quá nhỏ, chưa đủ để sử dụng cho trả nợ ngay cho các nhà cung cấp nhiên liệu (khí, than, bán điện) là 55.000 tỷ đồng và trả nợ ngân hàng đến hạn 22.000 tỷ đồng.
Tập đoàn này có hàng chục đơn vị cấp 2 và hàng trăm đơn vị cấp 3, cấp 4 hoạt động trên nhiều lĩnh vực từ đầu tư đến sản xuất, kinh doanh điện năng. Mỗi đơn vị phải duy trì một số dư tiền gửi nhất định để phục vụ cho công việc thường xuyên và xử lý đột xuất.
Cùng với nhu cầu vốn đầu tư lớn thì số dư nợ vay hiện tại của EVN cũng rất lớn. Theo đó, lãnh đạo EVN cho biết, nhu cầu trả nợ trong năm tương đối cao đòi hỏi EVN phải duy trì số dư đủ để trả nợ khi đến hạn để đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay trong tương lai.
Giá xăng tiếp tục tăng khủng gần 1.000 đồng/lít, E5 vượt mốc 20.000 đồng/lít
Giá xăng tiếp tục tăng mạnh trong phiên chiều ngày 2/5
Từ 16h chiều ngày 2/5, giá xăng E5RON92 tăng 985 đồng/lít ; xăng RON95-III tăng 956 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 311 đồng/lít; dầu hỏa tăng 363 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 385 đồng/kg. Đây là mức tăng cao liên tiếp lần thứ 3 trong hơn 1 tháng qua.
Theo Bộ Công Thương, từ đầu năm 2019 đến nay, mặc dù giá thế giới có xu hướng tăng nhưng Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều hành chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu liên tục và ở mức cao nhằm giữ ổn định giá bán xăng dầu trong nước (dịp trước, trong và ngay sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tránh tác động cộng hưởng trong đợt điều chỉnh tăng giá điện ngày 20/3/2019) hoặc hạn chế mức tăng giá bán xăng dầu trong nước.
Hiện giá bán lẻ các mặt hàng xăng trong nước vẫn đang được duy trì ở mức thấp hơn khá nhiều so với giá cơ sở. Bên cạnh đó, trong 15 ngày vừa qua, giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới vẫn liên tục tăng.
Điện, xăng tăng giá đã “ngấm” vào lạm phát tháng 4
Giá điện và xăng dầu điều chỉnh tăng đã có tác động trực tiếp đến CPI tháng 4/2019
“Việc tăng giá xăng dầu, giá điện có ảnh hưởng trực tiếp đến tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng” – đây là nhận xét được Tổng cục Thống kê đưa ra tại một báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô tháng 4/2019 vừa công bố gần đây.
Trong mức tăng 0,31% của CPI tháng 4/2019 so với tháng trước có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 4,29%, chủ yếu do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 2/4/2019 và thời điểm 17/4/2019 (tác động làm CPI chung tăng 0,41%).
Giá điện bình quân được điều chỉnh tăng 8,36% từ ngày 20/3/2019 theo Quyết định số 648/QĐ-BCT của Bộ Công Thương đã khiến chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,85% so với tháng trước
Cũng theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, lạm phát tháng 4 được kìm hãm là do ảnh hưởng của diễn biến của dịch tả lợn châu Phi tác động đến tâm lý người tiêu dùng và việc kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Trong một diễn biến khác, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đã có chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần chủ động các biện pháp điều hành nhằm kiên quyết thực hiện mục tiêu kiểm soát CPI bình quân năm 2019 ở mức từ 3,3 – 3,9% theo kịch bản điều hành giá đã đặt ra từ đầu năm.
Trọng tâm của chỉ đạo, Phó Thủ tướng yêu cầu phải điều hành các mặt hàng thiết yếu, điều hành giá xăng dầu, điện và phí BOT phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Cụ thể, đối với mặt hàng xăng dầu, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá thế giới. Đồng thời, kết hợp với việc trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu bảo đảm có dư địa cho việc bình ổn thị trường.
“Chủ động có kịch bản ứng phó phù hợp nếu giá xăng dầu tăng cao để tránh ảnh hưởng đến kỳ vọng về lạm phát cũng như đảm bảo dư địa điều hành cho các tháng cuối năm”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Về giá điện, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các Bộ Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư và Tổng cục Thống kê theo dõi, đánh giá tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá điện thời gian qua.
Mai Chi (tổng hợp)