1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bộ Công Thương:

Đóng dấu mật vào văn bản tăng giá điện để tránh tác động tâm lý người dân!

(Dân trí) - Đây là lý giải của đại diện Bộ Công Thương về đề xuất mới đây của Bộ này đưa phương án điều chỉnh giá điện mà chưa được công bố vào danh mục tài liệu mật của Nhà nước.

Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4/2019, trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh vì sao và cơ sở pháp lý nào Bộ Công Thương đề xuất đưa văn bản phương án tăng giá điện vào danh mục bí mật tài liệu của Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: Mục đích để hạn chế lạm phát tâm lý và Bộ này có cơ sở pháp lý cho đề xuất trên.

Đóng dấu mật vào văn bản tăng giá điện để tránh tác động tâm lý người dân! - 1

Thứ trưởng Bộ Công Thương: Đóng dấu mật vào văn bản tăng giá điện để tránh tác động tâm lý người dân

Xung quanh đề xuất trên, hiện dư luận rất lo ngại nếu nó thành hiện thực sẽ khiến độc quyền ngành điện gia tăng, người dân không được giám sát giá điện và các hộ tiêu dùng điện không chủ động được trước các phương án tăng giá điện.

Ông Hải cho biết: "Bộ Công Thương đã đề xuất đưa phương án tăng giá điện vào danh mục tài liệu mật Nhà nước".

Ông Hải nói sở dĩ đề xuất đưa tăng giá điện là danh mục tài liệu mật bởi đây là phương án tăng giá điện chưa được công bố, mới được đưa ra bàn thảo, trình Chính phủ trước khi ban hành.

Thứ trưởng Hải cho rằng: Khi được công bố chính thức (tức là được đồng thuận của Chính phủ, đánh giá tác động rồi - PV), sẽ không còn bí mật nữa.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng khẳng định: Văn bản mật để tránh tác động tâm lý người dân, ảnh hưởng lạm phát kỳ vọng do tâm lý người dân (lạm phát tâm lý).

Về tính pháp lý của đề xuất trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương dẫn dụ hai văn bản pháp quy. Cụ thể tại Khoản 5, Điều 2, Quyết định 106/2008 của Thủ tướng về danh mục bí mật nhà nước, độ tuyệt mật, tối mật trong ngành Công Thương, có nêu rõ văn bản Bộ Công Thương gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước để xin ý kiến chỉ đạo về chính sách hàng hóa, giá một số mặt hàng trọng yếu chưa công bố.

Một văn bản khác được ông này nêu là tại Khoản 23, Điều 1, Thông tư 1534/2008 của Bộ Công an về Danh mục bí mật nhà nước, độ mật của ngành Công Thương quy định rất rõ các loại chỉ số về giá cả, phương án chỉ đạo về giá, điều chỉnh giá chưa công bố. Còn sau khi công bố thì hoàn toàn công khai, công có gì là mật.

Về giá xăng dầu tăng liên tiếp trong thời gian vừa qua, gây ảnh hưởng không tốt đến xã họi, Thứ trưởng Hải khẳng định: Thời điểm điều chỉnh vừa qua, giá xăng dầu thế giới lên cao nhất từ đầu năm. Cụ thể, ngày 23/4, giá dầu đạt đỉnh trong 6 tháng gần nhất. Tính đến ngày 2/5, giá dầu đã tăng 32,8% so với thời điểm 1/1/2019.

Ông Hải cho rằng, tăng giá xăng dầu trong nước thời gian vừa qua thấp hơn mức tăng giá thành phẩm thế giới. Mục đích nhằm hỗ trợ đời sống người dân, doanh nghiệp, giúp điều hành kinh tế vĩ mô.

“Chúng ta đã dùng quỹ bình ổn rất nhiều, điều hành giá xăng dầu theo cơ chế nhưng có bàn tay Nhà nước. Nếu không dùng quỹ thì người dân phải gánh giá cao. Khi giá tăng có thể tác động ngược lại kinh tế vĩ mô cả đất nước. Thời gian tới, với diễn biến khó lường của giá xăng dầu thế giới, chúng ta vẫn cần dựa vào quỹ”, ông Hải nói.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, hiện ngân sách không bỏ ra đồng nào để điều hành xăng dầu vì có quỹ bình ổn giá. Việc tăng hay giảm giá xăng dầu là do thị trường quyết định.

Nguyễn Tuyền