Diện tích nhà ở xã hội sẽ tối thiểu 25m2, tối đa 90 m2?

(Dân trí) - Nhà ở xã hội được khuyến khích xây thí điểm thiết kế diện tích sàn mỗi căn hộ chung cư tối thiểu là 25 m2, tối đa đến 90 m2.

Đây là một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội mà Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng.
 
Đây là lần đầu tiên trong một văn bản pháp lý dưới luật, Bộ Xây dựng trình Chính phủ đặt mục tiêu thí điểm xây dựng nhà ở xã hội diện tích 25m2. Quy định mới này nếu được đưa vào thực tế sẽ mở đường cho chủ trương hiện đại hóa nhà ở xã hội mà Chính phủ đang thực hiện.
 
Diện tích nhà ở xã hội sẽ tối thiểu 25m2, tối đa 90 m2?
Căn hộ diện tích nhỏ 25m2 sắp tới sẽ tránh được những rào cản pháp lý khi Nghị định mới về Nhà ở xã hội được đưa vào thực tế?

Trong dự thảo, Bộ Xây dựng chia làm hai nhóm gồm sử dụng ngân sách nhà nước và ngoài ngân sách nhà nước.

Về xây dựng nhà ở xã hội bằng ngân sách nhà nước, tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội được thực hiện theo quy định tại các đô thị thì tiêu chuẩn thiết kế nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở; tại khu vực khác thì có thể xây dựng nhà ở liền kề thấp tầng.

Dự án phát triển nhà ở xã hội đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước phải áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
 
Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước tại các đô thị loại đặc biệt, loại I và loại II thì phải là nhà chung cư; không khống chế số tầng; tiêu chuẩn thiết kế diện tích sàn mỗi căn hộ chung cư tối thiểu là 30m2, tối đa không quá 70 m2. Dự thảo Nghị định cho phép chủ đầu tư dự án được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất lên 1,5 lần so với quy chuẩn xây dựng hiện hành, phù hợp với quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.  

Điểm đáng lưu ý trong dự thảo Nghị định, Chính phủ cho phép chủ đầu tư áp dụng thí điểm việc thiết kế diện tích sàn mỗi căn hộ chung cư tối thiểu là 25 m2, tối đa đến 90 m2 và nhà ở riêng lẻ hoặc nhà ở liền kề thấp tầng tại các đô thị loại I và loại II, nhưng phải có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng trước khi cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản chấp thuận đầu tư hoặc phê duyệt dự án theo quy định tại Điều 11 của Nghị định này.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của chủ đầu tư dự án, Bộ Xây dựng phải gửi ý kiến trả lời bằng văn bản.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng mở đường cho việc thiết kế nhà ở xã hội do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng. Bộ Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội và ban hành điều kiện tối thiểu về nhà ở xã hội do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng.

Về quy định chung việc thiết kế xây nhà ở nhà hội, dự thảo Nghị định quy định dự án phát triển nhà ở xã hội không thiết kế tầng hầm. Trường hợp chủ đầu tư dự án có nhu cầu xây dựng tầng hầm thì phải có ý kiến chấp thuận của Bộ Xây dựng.
 
T.Chí