Diễn biến mới vụ Saigon Petro bị tước giấy phép
(Dân trí) - Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết trước mắt sẽ phạt tiền Saigon Petro do không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối hiện hành, còn hình thức tước giấy phép sẽ áp dụng trong thời điểm phù hợp.
Chiều 6/9, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, phóng viên đặt câu hỏi với Bộ Công Thương về lý do Thanh tra Bộ này rút giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu của 5 doanh nghiệp, tác động của quyết định này đến việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước.
Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết ngày 31/8, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương đã ban hành 8 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 thương nhân đầu mối và công ty con với số tiền hơn 13 tỷ đồng.
Bên cạnh hình thức phạt hành chính, 5 doanh nghiệp bị tước giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu trong 1 tháng gồm Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro), Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương.
"Lỗi của họ chủ yếu do không đáp ứng được điều kiện về hệ thống phân phối hiện hành. Khi 5 doanh nghiệp này bị tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu, doanh nghiệp này sẽ không được mua xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước, không được bán cho tư nhân khác…", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Theo quan điểm của Bộ Công Thương, hành vi vi phạm trên cần được xử lý nghiêm, tuy nhiên vẫn phải lưu ý đến khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và đảm bảo nguồn cung trong nước. Do đó, sáng 6/9, Bộ Công Thương đã có báo cáo xử lý các doanh nghiệp vi phạm theo hướng trước mắt là phạt tiền, còn hình thức tước giấy phép sẽ áp dụng, nhưng áp dụng trong thời điểm phù hợp.
"Chúng tôi đang xử lý và hy vọng tìm được biện pháp phù hợp nhất trong thời gian tới", ông Hải nhấn mạnh. Dù đã có quyết định, đến thời điểm này, Bộ Công Thương vẫn chưa rút giấy phép của 5 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.
Trước đó, sau quyết định của Thanh tra Bộ Công Thương, Saigon Petro đã có văn bản tới Thủ tướng, Bộ Công Thương và cho rằng việc bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu sẽ làm cho hệ thống phân phối bị ảnh hưởng, tác động đến nguồn cung thị trường...
Đối với ý kiến liên quan đến việc sử dụng quỹ bình ổn để điều hành giá xăng dầu, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và thời gian qua làm rất tốt. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng khẳng định quỹ bình ổn giá là công cụ để chống cho giá xăng dầu tăng hoặc giảm sốc. Bộ Tài chính đang nghiên cứu những phương án khác nhau để điều hòa giá xăng trong nước và đảm bảo nguồn cung, quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, người dân.
Thời gian qua, nhiều vấn đề đang cùng lúc xảy ra liên quan đến mặt hàng xăng dầu. Trước kỳ điều chỉnh giá ngày 5/9 vài ngày, không ít cửa hàng xăng dầu tại một số địa phương trên cả nước đã xảy ra tình trạng hết hàng. Tại Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, nhiều cửa hàng đã hết xăng. Tổng cục Quản lý thị trường khi thực hiện kiểm tra, giám sát tại 21 cửa hàng ở 3 địa phương ngày 3/9 đã ghi nhận tình trạng này.
Nhiều cửa hàng cho biết việc thiếu hàng là do tuyến trên không cấp hàng hoặc cấp số lượng ít, không đủ bán.
Trong văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mới đây, Petrolimex cũng cho biết sản lượng tiêu thụ tăng đột biến đã gây áp lực lớn trong tạo nguồn do hàng tồn kho sụt giảm rất nhanh, trong khi mua hàng không thể bù đắp ngay lập tức cho thiếu hụt.
Doanh nghiệp xăng dầu lớn nhất nước lo ngại nguy cơ thiếu nguồn hàng cục bộ nếu việc kiểm soát tồn kho, vận chuyển, nhất là tại các địa bàn xa kho xăng dầu đầu mối, không được phối hợp vận hành chặt chẽ.
Trước nỗi lo đứt gãy nguồn cung, nhiều doanh nghiệp đã đề nghị việc điều chỉnh giá linh hoạt, theo đúng chu kỳ, kể cả vào ngày thứ 7, chủ nhật và nghỉ lễ, Tết... để giá trong nước không lệch pha quá lớn với thế giới.