Diễn biến mới nhất vụ trục trặc ở nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Theo Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn, việc thực hiện kế hoạch sản lượng tháng 4, 5 và 6 phụ thuộc vào việc triển khai các giải pháp tài chính.

Yêu cầu Nghi Sơn cung cấp sản lượng đã cam kết 

Bộ Công Thương vừa thông tin về tình hình bảo đảm nguồn cung mặt hàng xăng dầu trong nước. Thị trường xăng dầu trong nước trong quý I có nhiều biến động. Nguồn cung xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (đơn vị chiếm 35-40% tổng cung) giảm mạnh công suất sản xuất.

Trong tháng 1 và tháng 2, nhà máy này đã giảm công suất, có thời điểm chỉ còn 55% và không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường như đã cam kết.

Diễn biến mới nhất vụ trục trặc ở nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam - 1

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn - đơn vị cung cấp xăng dầu chiếm thị phần lớn nhất ở Việt Nam lại trục trặc trong lúc giá xăng dầu thế giới lập kỉ lục (Ảnh: PVN).

Trong khi đó, nguồn xăng dầu nhập khẩu gặp khó khăn do giá tăng mạnh, cạnh tranh lớn khi nguồn cung cấp bị gián đoạn do xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.

Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng cường lượng nhập khẩu, giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II cho 10 thương nhân đầu mối.

Quý II năm nay, Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) báo cáo cho biết đã làm việc với chi nhánh phân phối sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (PVNDP) về khối lượng hàng cam kết bán trong quý II theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm xăng dầu (FPOA).

Theo đó, sản lượng mà NSRP cam kết cung cấp cả quý II là 1,83 triệu m3, trong đó tháng 4 là 590.000 m3; tháng 5 là 630.000 m3; tháng 6 là 610.000 m3 (sản lượng thông báo này là sản lượng bao tiêu chính thức mang tính ràng buộc pháp lý với PVNDP).

Tuy nhiên, theo NSRP, việc thực hiện kế hoạch sản lượng trên phụ thuộc vào việc triển khai các giải pháp tài chính của NSRP. Hiện Tập đoàn dầu khí quốc gia (PVN) đã ban hành Nghị quyết phê duyệt cơ chế thanh toán sớm FPOA đến hết tháng 5 năm nay, do đó, NSRP có đủ điều kiện để hoạt động ổn định đến cuối quý II.

PVNDP cũng đã có văn bản chính thức gửi NSRP yêu cầu doanh nghiệp có nghĩa vụ sản xuất và cung cấp sản lượng như đã cam kết và NSRP không được đưa ra bất kỳ điều kiện nào kèm theo.

Bộ Công Thương khẳng định đủ nguồn cung

Cũng theo báo cáo, hiện nay, PVNDP đã và đang triển khai kế hoạch chi tiết giao nhận hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước theo các hợp đồng đã ký trong tháng 4 và chuẩn bị lịch giao hàng cho tháng 5 năm nay.

Đối với việc giao hàng cho tháng 6 tới, PVNDP đang phối hợp chặt chẽ với NSRP và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để tiếp tục cập nhật kế hoạch sớm nhất.

Theo Bộ Công Thương, dự kiến nhu cầu xăng dầu quý II năm nay khoảng 5,2 triệu m3. Tổng nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước cả năm nay là khoảng 20,6 triệu m3.

Trong khi đó, nguồn cung xăng dầu dự kiến quý II năm nay khoảng 6,7 triệu m3 bao gồm nguồn cung từ các nhà máy sản xuất trong nước (Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dự kiến là 1,8 triệu m3, Nhà máy lọc dầu Bình Sơn dự kiến là 1,9 triệu m3), nguồn nhập khẩu khoảng 1,5 triệu m3 (chưa tính đến việc doanh nghiệp phải thực hiện theo Quyết định số 242/QĐ-BCT là 800.000 m3/tháng, tương đương cả quý II là 2,4 triệu m3) và nguồn tồn kho từ quý I chuyển sang (1,5 triệu m3).

Với nguồn cung như trên, Bộ Công Thương khẳng định sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của quý II và tồn kho gối đầu sang quý III khoảng 1,5 triệu m3.

Ngoài ra, báo cáo cho thấy các thương nhân đầu mối cũng đã đẩy mạnh việc nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước (do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm sản lượng giao hàng so với kế hoạch).

Tổng công ty dầu Việt Nam (PVoil) đã thực hiện việc nhập khẩu tăng thêm và lượng xăng dầu về cảng Việt Nam trong cuối tháng 2 và đầu tháng 3 là 26.000 m3 xăng và 40.000 m3 dầu; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã thực hiện nhập khẩu trong tháng 2 khoảng 100.000 m3 xăng và 200.000 m3 dầu; Công ty Hải Hà cũng nhập khẩu trong tháng 2 khoảng 90.000 m3 dầu...

Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu bổ sung đã được Bộ Công Thương giao trong quý II nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.

Trên cơ sở báo cáo kế hoạch cụ thể sản xuất, cung ứng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, cân đối với nhu cầu tiêu thụ trong nước điều chỉnh phân giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong 6 tháng cuối năm nay.

Trước đó, tại thời điểm đầu năm nay, việc nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn bất ngờ giảm công suất khiến nhiều "ông lớn" xăng dầu tá hỏa, thị trường gặp khó về nguồn cung. Đại diện nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cho biết đang gặp những khó khăn về tài chính và đang làm việc tích cực với các bên liên quan để có phương án giải quyết, đưa nhà máy sớm trở lại hoạt động bình thường.

Tại cuộc họp hồi tháng 3, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên thông tin việc Bộ Công Thương đã làm việc với PVN ngày 22/2, thống nhất trước mắt "kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu quý II năm nay cho thị trường trong nước không bao gồm nguồn cung từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn".

Công ty TNHH Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn (NSRP) là công ty liên doanh được thành lập vào tháng 4/2008 do 4 thành viên góp vốn, bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam), Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPE), công ty Idemisui Kosan Nhật Bản (IKC) và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI), trong đó PetroVietnam góp vốn 25,1%. Nghi Sơn chiếm 35% sản lượng xăng dầu trong nước và là đối tác cung ứng xăng dầu lớn nhất cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trong nước.