Điểm tên những ngân hàng vẫn “phớt lờ” cổ tức

Chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về phải trích lập dự phòng, rồi xử lý nợ xấu, rồi dành vốn cho đầu tư..., rất nhiều lý do đang được các ngân hàng đưa ra để "đánh bài lùi" cổ tức.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Mùa ĐHCĐ cận kề, kế hoạch kinh doanh 2015 chuẩn bị đệ trình cổ đông thông qua đã được các NHTM hoàn tất. Thế nhưng, ngoài lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng, huy động vốn, hầu hết các nhà băng đều cho biết, chưa có kế hoạch cổ tức dự kiến cho năm 2014 và cả 2015.

 

Nhiều năm không cổ tức

 

Bà Nguyễn Thị M - cổ đông của Ngân hàng Southern Bank cho biết đã mua và giữ cổ phiếu của nhà băng này từ năm 2009. Do thị trường khó khăn, giá cổ phiếu ngân hàng giảm, nên chỉ trông chờ vào cổ tức để bù đắp phần nào. Thế nhưng, từ năm 2012 đến nay, bà chưa nhận được một đồng cổ tức nào của nhà băng này.

 

Lý do được Southern Bank đưa ra là nợ xấu tăng trước tình hình khó khăn chung, lợi nhuận thu về được tập trung chủ yếu cho trích lập dự phòng rủi ro nên không còn để chia cổ tức.

 

Thực tế, ĐHCĐ của Southern Bank trong 3 năm qua, không ít cổ đông của Ngân hàng đã tỏ ra bức xúc khi nhà băng này không chia cổ tức cho cổ đông, cho dù kế hoạch đưa ra đầu năm vẫn từ 5 - 8% cổ tức và lợi nhuận thu về vẫn dương, trong khi thù lao của HĐQT và Ban kiểm soát vẫn được đề xuất và giữ nguyên mức cao ngang ngửa so với lợi nhuận đạt được.

 

Chẳng hạn, năm 2013, lợi nhuận của Southern Bank chỉ đạt 18 tỷ đồng trước thuế, song HĐQT Ngân hàng đã trình cổ đông thông qua mức thù lao HĐQT, Ban kiểm soát lên đến 14 tỷ đồng, tương đương 80% lợi nhuận trước thuế (mức thù lao được ĐHCĐ thông qua trước đó là 3% trên tổng lợi nhuận trước thuế). Năm 2014, mức thù lao HĐQT, Ban Kiểm soát cũng được Southern Bank đề nghị cổ đông thông qua ở mức 14 tỷ đồng.

 

Theo ông Mặc Thiệu Đức, Chủ tịch HĐQT Southern Bank, do tình hình khó khăn, lợi nhuận của ngân hàng sụt giảm, trong khi nợ xấu tăng đòi hỏi phải trích dự phòng cao. Nợ xấu của Southern Bank đến cuối năm 2013 là 1.600 tỷ đồng, nhưng trong đó có đến 1.000 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn.

 

Southern Bank sẽ không chia cổ tức cho đến khi hoàn tất việc sáp nhập vào Sacombank
Southern Bank sẽ không chia cổ tức cho đến khi hoàn tất việc sáp nhập vào Sacombank

 

Tại ĐHCĐ năm 2014, HĐQT Southern Bank cũng đã thẳng thắn cho biết, sẽ không chia cổ tức 2014 cho cổ đông và kể cả 2015 cho đến khi hoàn tất việc sáp nhập vào Sacombank.

 

Được biết, đến thời điểm hiện tại, Đề án sáp nhập Southern Bank vào Sacombank vẫn chưa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua. Trong khi đó, kết quả kinh doanh của Southern Bank không mấy khả quan nhưng nợ xấu của nhà băng này đang cao hơn mức quy định ngành.

 

Ông Trần Thanh Hải, cổ đông của Ngân hàng VietA Bank cũng cho hay, trong nhiều năm qua, ông cũng không nhận được đồng cổ tức nào từ VietA Bank. Một trong những nguyên nhân khiến VietA Bank không thể thực hiện được việc này là do Ngân hàng vẫn chưa thực hiện được kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng trong gần 3 năm qua, cho dù kế hoạch này đã được trình ĐHCĐ thông qua khá nhiều lần. Bởi cổ tức VietA Bank dự kiến chia cho cổ đông là bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính cũng như sức cạnh tranh, nên một khi kế hoạch tăng vốn chưa thể triển khai, cổ đông của nhà băng này cũng khó có thể kỳ vọng cổ tức. VietA Bank đã có thông báo chốt danh sách tham dự ĐHCĐ 2015, nhưng vẫn chưa công bố kết quả 2014.

 

Trên thực tế, không chỉ cổ đông của hai nhà băng trên mà hiện nhiều ngân hàng đang “phớt lờ” cổ tức năm 2014, kể cả năm 2015.

 

DongA Bank đã thông báo hủy việc tạm ứng cổ tức đợt 1/2014 (dự kiến chi trả trong quý II/2014). Theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, kinh tế khó khăn, nên dù lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2014 của Ngân hàng đã đạt trên 286 tỷ đồng, hơn 50% kế hoạch, nhưng Ngân hàng vẫn phải tập trung nguồn lực xử lý nợ xấu.

 

Và sẽ kéo dài sang các năm sau?

 

Thế nhưng, không chỉ với cổ tức đợt 1/2014 mà với tình hình hoạt động của DongA Bank trong năm qua, khả năng nhà băng này cũng khó có thể chi trả được mức cổ tức như kế hoạch đặt ra ban đầu là 5%. Nguyên nhân do hoạt động kinh doanh của DongA Bank năm qua kém khởi sắc, nợ xấu tăng trên 6%. Tính đến hết quý III/2014, lợi nhuận trước thuế của DongA Bank mới đạt phân nửa chỉ tiêu.

 

Ngoài DongA Bank, hiện với các nhà băng đang trong quá trình tái cơ cấu như Maritime Bank hay SCB cũng không có chủ trương chi trả cổ tức cho cổ đông. Đối với SCB được lãnh đạo nhà băng này cho biết, Ngân hàng đang tập trung mọi nguồn lực tái cơ cấu sau hợp nhất, nên cổ đông cũng đã có sự chia sẻ và không kỳ vọng vào cổ tức.

 

Chủ tịch HĐQT một ngân hàng có quy mô vốn trên 3.500 tỷ đồng tại TP. HCM cũng cho hay, mức cổ tức ngân hàng trả cho cổ đông năm qua là 10%, nhưng là bằng cổ phiếu để thực hiện đợt tăng vốn điều lệ từ 3.200 tỷ đồng lên trên 3.500 tỷ đồng từ nguồn thặng dư và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Trong thời gian tới, khả năng sẽ rất khó kỳ vọng cổ tức, vì nguồn thặng dư không còn và vốn điều lệ tăng thêm phải phát hành huy động vốn mới từ cổ đông. Trong khi, lợi nhuận thu về chủ yếu dành để trích dự phòng.

 

Với các nhà băng nhỏ đã vậy, nhưng với một số nhà băng quy mô không nhỏ, tình trạng này cũng không khả quan hơn là mấy.

 

Sacombank trong 2 năm qua chưa tạm ứng đợt cổ tức nào cho các cổ đông. Hay tại Eximbank, do nợ xấu gia tăng, nên ngân hàng này cũng chưa tính đến việc chia cổ tức cho cổ đông. Năm 2013, Eximbank dự kiến chi trả cổ tức cho cổ đông ở mức 12%, nhưng đến kỳ ĐHCĐ 2014, HĐQT nhà băng này chỉ trình cổ đông thông qua mức chi trả 4%. Năm 2014, HĐQT Eximbank dự kiến chia cổ tức ở mức 8,5%, nhưng đến nay đã bước sang đầu năm 2015, nhà băng này vẫn chưa tạm ứng đợt cổ tức nào cho cổ đông. Lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng của Eximbank năm 2014 chỉ còn lại 56 tỷ đồng.

 

Giải trình cho kết quả ở mức quá thấp này, HĐQT Eximbank cho biết, để đảm bảo an toàn trong hoạt động, Ngân hàng phảy hy sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro. Vì thế, theo lãnh đạo Eximbank, rất khó có thể kỳ vọng được mức cổ tức đề ra, không chỉ năm nay có thể kéo dài năm sau.

 

Lãnh đạo nhiều nhà băng chia sẻ, tinh thần chung là sẽ không đưa ra kế hoạch cổ tức trong năm 2015 và xin ý kiến cổ đông không chia cổ tức 2014 trong kỳ ĐHCĐ năm nay. Chủ trương của NHNN cũng được Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh cho hay, là các ngân hàng phải trích dự phòng đầy đủ trước khi nghĩ đến việc trả cổ tức cho cổ đông.

 

Theo Thùy Vinh

Đầu tư Chứng khoán
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”