Bình Dương:
“Điểm mặt” hàng giả mùa Tết
(Dân trí) - Khi thị trường hàng hóa đang vào cao điểm dịp tết Nguyên Đán cũng là thời điểm xuất hiện hàng loạt các loại hàng giả hàng nhái. Trong đó, giả về nội và giả về hình thức là thực trạng phổ biến, đáng báo động.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: * Chủ tịch VCCI: Doanh nghiệp tư nhân có nhiều cơ hội phát triển * Mới lạ dịch vụ cho thuê... dê chơi Tết Ất Mùi * 1 tỷ USD bị tin tặc đánh cắp từ hơn 100 ngân hàng * Cuối năm “đại hạ giá” đào tết, khách vào tận vườn mua cả cây |
Trong đợt cao điểm truy quét hàng lậu cuối năm, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bình Dương đã bắt giữ hàng chục vụ sản xuất, kinh doanh hàng “dỏm”. Trong đó nổi lên vẫn là các mặt hàng thiết yếu, phụ vụ nhu cầu của người dân trong dịp tết Nguyên Đán như: đồ điện dân dụng, thực phẩm, bánh kẹo…
Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương cho biết, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi, lực lượng QLTT tỉnh đều có kế hoạch phối hợp với cơ quan chức năng cương quyết chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
“Chúng tôi luôn nêu cao trách nhiệm chống hàng giả, hàng nhái để bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng. Tuy nhiên, một thực tế hiện gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng là thủ đoạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng của các đối tượng rất tinh vi. Cuộc chiến chống hàng giả cần có sự chung tay góp sức của toàn dân” - Ông Danh chia sẻ.
Ông Nguyễn Thành Danh cho biết thêm, hàng giả có thể tạm chia thành 2 loại: Giả về nội dung và giả về hình thức. Muốn xác định hàng giả về nội dung phải có quá trình xét nghiệm, giám định đối chứng với những quy chuẩn kỹ thuật của Nhà nước đặt ra và tiêu chuẩn cơ sở do nhà sản xuất công bố. Vì vậy, việc xác định hàng giả về nội dung phải theo trình tự thủ tục do pháp luật quy định. Đối với hàng giả về hình thức, thực chất đây là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp chân chính; các doanh nghiệp này phải thật sự quan tâm đến việc bảo vệ thương hiệu, chống hàng giả và thực hiện các thủ tục xác nhận thì cơ quan chức năng mới xử lý được.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng khi có nghi vấn hàng giả cần phản ảnh cho cơ quan chức năng để có thể thực hiện các thủ tục xác nhận hàng thật, hàng giả và tiến hành kiểm tra xử lý theo quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Bán, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Bình Dương khuyến cáo, người tiêu dùng khi mua hàng hóa cần tìm hiểu kỹ về nguồn gốc hàng hóa và phải có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Đặc biệt, việc người tiêu dùng từ chối dùng hàng giả và cung cấp thông tin về hàng gian, hàng giả phát hiện được cho cơ quan chức năng sẽ mang lại hiệu quả rất lớn trong việc chống hàng gian, hàng giả.
Một thực tế đáng lo hiện nay là mặc dù cơ quan chức năng đã tăng cường nhiều giải pháp như tuyên tuyền, vận động, ra quân truy quét hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc… thế nhưng vì lợi nhuận thu được quá “khủng” nên hàng giả, hàng nhái vẫn tiếp tục lộng hoành, nhất là trong dịp tết.