Dịch slogan quảng cáo: những tai nạn nhớ đời
(Dân trí) - Một lần Colgate đưa thuốc đánh răng sang Pháp dưới nhãn hiệu Cue - trùng ngay tên một tạp chí khiêu dâm tai tiếng ở nước này.
Những câu “thông ngôn” tai họa trong quảng cáo đã tống cú trời giáng cho không ít các thương hiệu tên tuổi khi vừa đặt chân sang thị trường nước ngoài.
- Lần đầu ra mắt thị trường Mexico, bút máy Parker trau chuốt lời quảng cáo thật tỉ mỉ: “It won't leak in your pocket and embarrass you” (tạm dịch “Không rỉ mực trong túi quần và gây phiền phức cho bạn”)
Vậy mà công ty nhập khẩu đã nhanh nhảu hiểu từ “embarrass” (gây phiền) thành “embarazar” (thụ tinh), và nguyên văn câu quảng cáo bút máy Parker ở Mexico là thế này: “Không rỉ mực trong túi quần và khiến bạn có thai”.
- Khi giới thiệu sản phẩm máy uốn tóc “Mist Stick” vào thị trường Đức, hãng điện tử gia dụng Clairol đã không lường trước rằng, trong tiếng lóng Đức “mist” có nghĩa là “phân bón”. Kết quả, Manure Stick thất bại ê chề.
- Hãng bia Coors nổi tiếng của Mỹ dịch slogan “Turn It Loose” (tạm dịch “Mở nắp ra”) sang tiếng Tây Ban Nha, ngô nghê thế nào lại thành nghĩa “Bị tiêu chảy”.
- Khẩu hiệu “Come Alive With the Pepsi Generation” (tạm dịch “Sảng khoái cùng thế hệ Pepsi”) dịch sang tiếng Trung Quốc được hiểu thành “Pepsi gọi tổ tiên từ nghĩa địa trở về”
- Lần đầu Gerber bán thức ăn trẻ em sang châu Phi, công ty đã sử dụng nguyên mẫu mã bao bì giống ở thị trường Mỹ với hình em bé mỉm cười trên túi đựng. Sau đó họ phát hiện ra, các công ty ở châu lục này chỉ đưa lên bao gói chính xác hình sản phẩm bên trong, bởi phần lớn dân ở đây không biết đọc.
- American Airlines muốn phô trương những chiếc ghế nệm da dành cho khách VIP bèn nảy ra slogan “Fly In Leather” - nhằm truyền tải thông điệp theo đúng nghĩa đen của nó (Leather có nghĩa da thuộc). Dịch sang tiếng Tây Ban Nha, nó được hiểu thành “Fly Naked” (Bay “nuy”)
- Một công ty may ở bang Miami, Hoa Kỳ, nhận đơn đặt hàng từ Tây Ban Nha: áo phông in dòng chữ “Tôi đã gặp Giáo hoàng” nhằm tôn vinh chuyến viếng thăm của vị đứng đầu Vatican. Nhưng rồi “el Papa” (Giáo hoàng) bị in nhầm thành “la papa”, vậy là dòng chữ mang nghĩa “Tôi đã thấy củ khoai tây”.
- Thành công lớn từ chiến dịch quảng cáo “Got Milk?” (tạm dịch “Uống sữa không?”) trong nước đã khiến Hiệp hội sản phẩm bơ sữa Hoa Kỳ quyết định mở rộng sang thị trường Mexico. Quái thay, dịch sang tiếng Tây Ban Nha thế nào lại thành nghĩa “Are You Lactating?” (“Bạn có tiết sữa không đấy?”).
- Ngay cả đại gia General Motors cũng từng bẽ mặt với tai họa xe Nova. Ở các nước Trung và Nam Mỹ, “No va” có nghĩa là “không chạy”.
- Tên Coca-Cola ở Trung Quốc ban đầu bị phát âm chệch thành “Kekoukela”, nghĩa là “Cắn con nòng nọc bằng sáp” hay “Con ngựa cái bị nhồi vào sáp” - những cụm từ chẳng truyền tải được thông điệp gì. Hãng này sau đó đã phải nghiên cứu hơn 40.000 ký tự để tìm ra từ tượng hình vừa phát âm giống Coca-Cola, vừa có nghĩa đẹp: “kokoukole”, nghĩa là “Niềm vui trong miệng”.
Thùy Vân
Theo Marketingprofs