Địa ốc “chết”, đất nghĩa trang vẫn sốt giật mình

Với thực trạng giá đất nghĩa trang hiện nay ở Hà Nội, một nhân viên công chức, làm việc cặm cụi, ăn dè hà tiện cả đời may ra họ chỉ tích góp đủ mua cho mình một “căn nhà” ở… nghĩa trang.

Giá ngất ngưởng

 

Câu chuyện về “quá tải” dường như đã trở nên quen thuộc với người dân Hà Nội, từ bệnh viện, trường học, hàng ăn đến đường xá, nhà ở,… thậm chí cả nơi yên nghỉ.

 

Với dân công chức nhà nước, hưởng mức lương theo đúng quy định, thì việc mua được một căn nhà để ở lúc sống dường như là giấc mơ xa vời. Một phép tính đơn giản, với gia đình hai vợ chồng trẻ và một con nhỏ, lương theo đúng hệ số 2,34 là khoảng 2 triệu đồng/tháng/người. Trừ đi các khoản phí, còn khoảng 1,7 – 1,8 triệu đồng/tháng/người. Tính chung cả hai vợ chồng là khoảng 3,5 triệu đồng/tháng.

 

Với mức lương như thế này, việc lo đủ chi tiêu cho gia đình đã là vô cùng khó khăn, chưa tính đến tiền thuê nhà và các khoản tiền khác phải chi trả như: tiền học cho con, tiền ma chay cưới hỏi,….

 

Lo cho cuộc sống đã vô cùng chật vật, vì vậy đối nhiều cặp vợ chồng làm công chức ở Hà Nội, có một căn nhà nhỏ vẫn chỉ là một giấc mơ.

 

Nhà ở lúc sống đã không có được, nhà ở lúc chết, xem ra cũng không mấy dễ dàng. Giá đất tại một số nghĩa trang ở Hà Nội luôn khiến nhiều người phải giật mình.

 

Tại một số nghĩa trang ở Hà Nội như Mai Dịch hay Văn Điển- những nơi được coi là khu “VIP” cho người âm, giá đất mộ thường ngang ngửa với giá đất ở của người sống. Mỗi m2 đất tại đây, nếu tính đủ các chi phí gồm cả phần đất, phí cải táng,…giá cũng rơi vào khoảng trên 25 triệu đồng/m2, nếu mua qua cò đất, giá ít nhất cũng tầm 30 triệu đồng/m2.
 
Địa ốc “chết”, đất nghĩa trang vẫn sốt giật mình
Đỏ mắt như tìm đất mộ.
 

Tại một số nơi khác như nghĩa trang Quán Dền (Nhân Chính, Thanh Xuân), nghĩa trang Láng Hạ (27 Vũ Ngọc Phan),…giá đất “mềm” hơn một chút, thông thường dao động từ khoảng 18 – 20 triệu đồng/m2.

 

Như vậy, với mỗi phần mộ “VIP” khoảng 4 – 4,5 m2, giá thường từ 120 – 130 triệu đồng. Các phần mộ khác rẻ hơn cũng khoảng 80 – 90 triệu đồng/m2.

 

Với các gia đình khá giả, đây không phải là số tiền lớn. Nhưng với những gia đình công chức, đấy không phải là khoản tiền nhỏ.

 

Anh Hải, một công chức ở Hà Nội nhẩm tính, mỗi tháng thu nhập 2 vợ chồng anh khoảng 6 triệu đồng, trừ đi tất cả các chi phí, mỗi tháng 2 vợ chồng anh “đút lợn” nhiều lắm cũng chỉ 1 triệu đồng.

 

Với mỗi suất đất giá tại thời điểm như hiện nay, thì hai vợ chồng anh phải đi làm 80 năm, tức là cả đời người thì mua nổi một suất.

 

“Đất đắt thế này, chắc gia đình tôi có ai yên nghỉ, phải đưa về quê mai táng. Chứ ở Hà Nội lấy đâu ra chỗ để chôn”, anh Hải nhăn nhó.

 

Khan hiếm!

 

Điều đáng nói, mặc dù giá cao, nhưng việc tìm được một phần đất để chôn cất người nhà ở Hà Nội lại không hề dễ.

 

Kể về câu chuyện tìm đất cho bố vợ, anh Thái (nhà ở Láng Hạ, Hà Nội) chỉ biết thở dài “Tưởng chỉ khó đất cho người sống, ai dè đất cho người chết còn khó hơn”.

 

Bố vợ anh Thái hiện đã liệt toàn thân do tai biến mạch não, theo lời các bác sỹ, gia đình chuẩn bị sẵn tâm lý vì cụ có thể ra đi bất cứ lúc nào.

 

Chính vì vậy, từ hôm đưa cụ về nhà, ngoài thời gian chăm sóc cụ, hai vợ chồng anh Thái chạy đôn chạy đáo đi mua sẵn một phần đất ở nghĩa trang cho cụ.

 

Ban đầu nghĩ việc mua một suất đất ở nghĩa trang không mấy khó khăn, nên vợ chồng anh quyết định đặt mua ở nghĩa trang Văn Điển. Tuy nhiên, do quá tải nghĩa trang này đã không nhận hung táng từ năm 2010.

 

Tìm đến nghĩa trang Quán Dền (Nhân Chính, Thanh Xuân), anh Thái cũng nhận được cái lắc đầu ngao ngán của người quản trang vì “nghĩa trang này không nhận người ngoài, chỉ dành cho người trong làng”.

 

Dù sẵn sàng trả với mức giá cao gấp đôi, nhưng người quản trang ở đây vẫn từ chối vì “đất làng, không thể bán tùy tiện được”.

 

Trong vai người đi mua đất cho người âm, chúng tôi tìm đến nghĩa trang Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Vừa đặt vấn đề muốn mua 1 suất đất ở đây, một thanh niên làm quản trang ở đây liên lắc đầu nói: “Hết chỗ và không nhận người ngoài”.

 

Sau một hồi năn nỉ và có chút quà “chè thuốc”, thì anh quản trang ở đây mới chịu mách nước. Theo anh này, cách dễ nhất để có đất ở đây là tìm cò đất mà mua. Muốn tìm cò đất ở đâu thì ra các quán nước lề đường hoặc vào trong làng nói hỏi mua đất nghĩa trang, sẽ có người chỉ cho.

 

“Mua như vậy, đất đắt đấy. Ít nhất cũng hơn tầm chục triệu/suất. Nếu chị cần gấp thì hãy mua”, anh quản trang cho biết.

 

Xem ra, việc mua được một suất đất “âm” cho người quá cố ở Hà Nội còn khó hơn cả mua đất cho người dương. Chấp nhận mua đắt, tiền nhiều cũng không dễ gì chọn được một chỗ ưng ý.

 

Theo Châu Anh

VTCNews