1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Di sản kiến trúc đô thị TPHCM: Giữ thì giữ, phá cứ phá!

Với chủ đề “Bảo vệ di sản để phát triển bền vững”, hội thảo “Di sản kiến trúc (DSKT) TPHCM” sáng 14.12 chỉ ra rằng, Sài Gòn đã có hơn 300 năm hình thành và phát triển, nhưng tiếc là không có một dấu ấn bề nổi nào của Sài Gòn 300 năm trước.

Di sản kiến trúc bị biến dạng

ThS-KTS Phạm Phú Cường vẽ nên một bức tranh buồn thảm của 108 công trình KT cần bảo tồn mà 15 năm qua, TPHCM vẫn chưa ban hành quy chế cụ thể nào về vấn đề này. Vì thế, ông nêu ra 3 hiện tượng thấy rõ: Thứ nhất, các công trình di sản bị tháo dỡ để dành chỗ cho các dự án xây dựng mới. Thứ hai - tính chất “bối cảnh” của di sản đô thị bị rạn vỡ - hệ quả của phương thức xây chen nhà cao tầng vào các khu đô thị lịch sử.

Theo KTS Cường, thống kê có 100 công trình cao từ 15 tầng trở lên được thỏa thuận chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc chỉ tính trên địa bàn quận 1, 3, 4 từ năm 1991 đến nay. Năm 2007, TP còn giới thiệu thêm 20 khu đất ''vàng'' với tổng diện tích trên 50ha- chủ yếu thuộc trung tâm quận 1 để kêu gọi đầu tư. Nhiều công trình cao 40-45, thậm chí 65 tầng! Sự phá vỡ tính hài hòa của “địa điểm di sản” là điều đi ngược với nguyên tắc cơ bản của bảo tồn.

Cụ thể, không gian quảng trường Nhà hát TP bị thu nhỏ lại trước khối tích đồ sộ của khách sạn Caravelle. Khách sạn Sheraton, tòa tháp Time Square... xâm hại tính đồng nhất quy mô và chiều cao của cảnh quan đường Đồng Khởi. Thứ ba là sự tương phản gay gắt giữa kiến trúc cũ và mới. Điều đó tạo nên một khung cảnh đô thị hỗn loạn về thị giác, mâu thuẫn giữa cái mới và cái cũ, đối lập về phong cách, màu sắc, vật liệu và kiểu dáng.

Theo TS Phạm Hữu Mý - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa TPHCM - trên địa bàn TP có 30 di tích KT nghệ thuật cấp quốc gia, 47 di tích KT nghệ thuật TP; trong đó chủ yếu là những ngôi chùa, nhà thờ và đình cổ. Ngoài chuyện bị trùng tu không nhận ra được, còn có hiện tượng biến dạng giữa bảo tồn và cải tạo, nên không gian Sài Gòn xưa - nhất là kiến trúc thời thuộc Pháp - bị phá vỡ đi nhiều, thay vào đó là nhiều khu phố giả cổ.

KTS Nguyễn Ngọc Dũng chỉ ra những nghịch lý như: Những công trình cao tầng quanh nhà thờ Đức Bà cũng được yêu cầu “chóp mái” cho giống và hài hòa với nhà thờ, quanh Nhà hát TP cũng vậy, như khách sạn Caravelle nên càng biến nhà hát trông giống... tổ mối cạnh “gã khổng lồ”. Hàng giả kiến trúc cũng mọc lên nhan nhản quanh UBND thành phố.
Nhà thờ Đức Bà.

Nhà thờ Đức Bà.


Cần tạo ra di sản mới

Có ý kiến nêu rõ: Di sản kiến trúc đô thị TPHCM được gìn giữ là di sản bản địa hay di sản của các nước xâm chiếm để lại? Một khi không giữ được di sản Sài Gòn 300 năm, thì tại sao không tạo ra “di sản mới” cho TPHCM?

Theo KTS Dương Hồng Hiên, nên “tạo di sản khi chưa có nó”, thay vì ngồi nhìn những tòa kiến trúc cổ Pháp chuẩn bị hiến mình cho những dự án khác. Nói cách khác, cần xây dựng những giá trị riêng cho đô thị TPHCM. Các đô thị lớn trên thế giới có nhiều biểu tượng kiến trúc nổi tiếng, sao TPHCM không? Điều cần làm là phải xây dựng giá trị văn hóa đích thực của nhiều công trình trước khi chúng hình thành. Ngoài ra, còn phải xây dựng không gian để chứa đựng nó. Nên có một hội đồng để cân nhắc cái được, cái mất của những thay đổi cơ bản trong cơ cấu đô thị.

Cũng có ý kiến nên duy trì phố đi bộ mà các nước đều có, chỉ duy TPHCM chưa có, để bảo vệ di sản.

Cuối cùng, quan trọng nhất là cần hình thành quỹ kiến trúc TP, để điều tra, khảo sát, đánh giá và lập danh sách những công trình kiến trúc tiêu biểu qua các thời kỳ lịch sử - văn hóa cần bảo tồn. Quỹ cần có một hội đồng nhiều giới để đánh giá, cập nhật cả xu hướng KT đương thời để củng cố hệ thống lịch sử KT TPHCM.
 
Theo Minh Thi