"Đi chợ thuê" thời Covid-19

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dân công sở sợ đến nơi đông người đã chuyển sang mua sắm trực tuyến, thuê người đi chợ giúp…

Đi chợ thuê thời Covid-19 - 1

Dịch vụ “đi chợ thuê”, giao hàng tận nhà đắt khách thời Covid-19 Ảnh: U.P

Đi chợ bằng “lướt, chạm” 

Những ngày gần đây, các siêu thị gần như quá tải do khách hàng mua sắm rất đông, đặc biệt dịp cuối tuần. Muốn mua ít nhu yếu phẩm cho gia đình, chị Phương Vy (ngụ Q.Bình Tân) chọn một trang web của siêu thị uy tín, chọn gạo, sữa, mì… cho vào giỏ hàng, chọn giờ giao và nhấp hoàn tất đơn hàng. Đúng giờ, nhân viên gọi điện thoại và giao đến tận nơi.

“Hầu hết siêu thị nào cũng có dịch vụ “đi chợ thuê” kiểu này, chỉ cần “lướt , chạm” và “enter” là xong. Nhanh chóng, tiện lợi và mình không phải lăn tăn chuyện lây nhiễm bệnh khi đến nơi đông người” - chị Vy chia sẻ.

Không chỉ đặt món, nhiều cửa hàng thực phẩm, shop online trên facebook còn nhận sơ chế, nấu nướng theo nhu cầu của khách. Kiểm tra các đơn hàng khách đặt từ hôm trước, chị Lê Mai (chủ facebook Dichogiupban) bắt tay vào việc đi chợ mua thực phẩm, đem về sơ chế rồi gửi nhân viên giao đến địa điểm khách yêu cầu. Thực phẩm vận chuyển được bảo quản trong thùng bảo ôn và có kèm đá lạnh, đảm bảo cho thực phẩm vẫn tươi ngon sau một thời gian nhất định. Chị Mai vui vẻ: “Nhờ mình kỹ lưỡng, tuy giá dịch vụ có cao chút xíu nhưng khách đều chấp nhận”.

Khảo sát một số siêu thị, cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm tại TPHCM, những nơi này đang tăng cường bán hàng qua website, ứng dụng (app) cài trên điện thoại. Các danh mục hàng hóa đều thể hiện bằng hình ảnh, có giá niêm yết, người mua chỉ cần chọn theo khối lượng hoặc gói, bấm nút đặt hàng. Khách có thể thanh toán online bằng thẻ ATM, thẻ visa, ví điện tử... hoặc trả tiền trực tiếp khi nhận hàng. Do nhu cầu đặt hàng online trong mùa dịch Covid-19 của khách hàng tăng mạnh khiến nhiều nơi quá tải. Đơn cử ngày 15/3, chúng tôi gọi vào tổng đài bán hàng online của Bách Hóa Xanh, nhân viên cho biết chưa thể giao ngay mà phải chờ đợi 3-4 ngày. 

Theo hệ thống siêu thị LOTTE Mart, số lượng đơn hàng qua website, ứng dụng Speed L hiện tăng từ 150-200% so với ngày thường, nguồn hàng phân bổ cho mảng online được tăng cường gấp đôi, gấp ba. Saigon Co.op cũng cho biết, đơn hàng mua sắm qua điện thoại, wesbite của siêu thị tăng gấp 10 lần so với ngày thường, thường xuyên “nghẽn” đơn hàng do khách quá đông. 

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Central Retail (đại diện siêu thị Big C và Go) cho biết, nhằm tạo thuận lợi cho người dân mua sắm hàng hóa mà không cần trực tiếp đến siêu thị, Big C đang tăng cường hình thức thương mại điện tử, mua sắm online để người tiêu dùng có thể ngồi nhà vẫn nhận được lương thực, thực phẩm, đồ tiêu dùng hàng ngày khi có nhu cầu, không cần tích trữ.

Lo khâu an toàn thực phẩm

Hiện khá nhiều website có dịch vụ “đi chợ giúp” Lottemart, Satra, Coo.op Mart, Big C, Bách hóa Xanh, Đi Chợ Nhanh, Đi Chợ Dùm Bạn, Now Fresh… Nhiều cá nhân cũng đẩy mạnh bán hàng qua Facebook, Zalo, mở ứng dụng đi chợ, cung cấp bữa ăn tận nhà... Tuy nhiên, khách mua hàng chủ yếu là người quen, còn phần lớn người tiêu dùng chưa tin tưởng các kênh bán hàng nhỏ lẻ do chưa được kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm (ATTP), nguồn gốc, chất lượng hàng hóa. 

Theo TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TPHCM, vẫn còn những rào cản khiến hoạt động thương mại điện tử của Việt Nam nói chung hay kinh doanh online nói riêng chưa phát triển mạnh. Đó là do hàng hóa chưa đạt chuẩn, giữa hình ảnh sản phẩm quảng cáo và thực tế khi giao cho khách hàng không giống nhau khiến người mua lo lắng nên không lựa chọn mua hàng online. 

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TPHCM cho biết, trong quá trình kiểm tra, ban đã phát hiện một số cơ sở chế biến thực phẩm không có các giấy tờ theo quy định, không công bố chất lượng sản phẩm, không khám sức khỏe, cập nhật kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm... “Thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống đều phải có xuất xứ rõ ràng, có các giấy tờ thể hiện mua hàng ở đâu; nếu không có, sẽ bị lực lượng chức năng tịch thu, tiêu hủy và xử phạt hành chính. Đã là sản phẩm thực phẩm thì dù bán online hay trực tiếp đều phải chịu sự kiểm soát như nhau” - bà Lan nhấn mạnh. 

Khi bán thực phẩm, các tổ chức, cá nhân phải chấp hành nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước và đảm bảo ATTP. Yêu cầu này được kiểm soát thông qua việc đơn vị tự công bố. Nếu bán hàng online thì đăng ký trên website của Bộ Công Thương, công bố các giấy phép trên trang bán hàng của mình để khách hàng yên tâm. Bên cạnh đó, các hệ thống giao hàng, đặc biệt là giao thực phẩm cũng phải đăng ký với cơ quan quản lý và chịu sự kiểm soát để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

“Khi đặt mua hàng qua mạng, giao tận nơi, chúng ta phải biết đơn vị, cá nhân bán hàng là ai, ở đâu để khi gặp vấn đề còn có thể khiếu nại. Nên mua hàng ở những nơi bán hàng uy tín, công khai đầy đủ các giấy tờ theo quy định. Trước khi mua hàng qua mạng, người tiêu dùng có thể kiểm tra lại thông tin đơn vị bán trên các website của cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Cục ATTP...” - bà Phong Lan khuyến cáo. 

Chợ truyền thống vắng khách

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, những ngày qua, sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt trong việc đảm bảo cung ứng cho thị trường, đến nay, hàng hóa được đưa về các chợ truyền thống trên cả nước tương đối dồi dào. Tuy nhiên, do lo ngại về dịch bệnh nên sức mua tại các chợ giảm, người tiêu dùng tại các thành phố có xu hướng ưu tiên mua hàng tại các siêu thị hơn là tại các chợ. Kết quả khảo sát cho thấy, sức mua tại chợ đã giảm khoảng 20-30% so với trước khi có dịch bệnh.
Số liệu của Vụ Thị trường trong nước cũng cho thấy, dù giá cả ổn định nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu mua sắm của người dân giảm kéo theo lượng hàng hóa kinh doanh tại các chợ giảm 50 - 70%, doanh thu giảm 50 - 80% so với thời điểm không có dịch. Điển hình như chợ Đồng Xuân doanh thu của các tiểu thương giảm 60-80%. Nhiều ki ốt đã đóng cửa, nguồn hàng về chợ gặp khó khăn. 

Theo Phạm Tuyên

Tiền Phong