Đề xuất tăng thuế nhập khẩu để cứu thép nội

(Dân trí) - Bộ Công Thương vừa có cuộc họp với Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) và các doanh nghiệp thép trước tình hình ngành thép có nguy cơ phá sản vì hàng tồn đọng quá lớn. Nhiều doanh nghiệp tham dự buổi họp đã đề xuất tăng thuế nhập khẩu thép để cứu thép nội.

Doanh nghiệp lao đao vì cơ chế

Theo các doanh nghiệp, sở dĩ ngành thép phải đối mặt với tình hình khó khăn như hiện nay là do ngân hàng siết chặt vốn cho vay; nhiều công trình trọng điểm phải giãn, hoãn tiến độ, thậm chí là dừng thực hiện khiến cho sản xuất kinh doanh và tiêu thụ thép đã giảm mạnh.

Bên cạnh đó, công tác dự báo thị trường thép của VSA và cơ quan chức năng trong thời gian qua chưa chính xác và chưa theo kịp biến động trên thế giới khiến doanh nghiệp sản xuất thép bị động trong sản xuất và tài chính.

Bản thân doanh nghiệp sản xuất phôi và cán thép lại chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau; thị trường tiêu thụ thép trì trệ, tồn đọng sản phẩm lớn, các doanh nghiệp đua nhau hạ giá bán thép để thu hồi vốn trong khi phải đương đầu với nhiều khó khăn, gây bất lợi cho toàn ngành...

Do đó, để khôi phục lại thị trường tiêu thụ thép, các doanh nghiệp kiến nghị nhà nước cần tập trung vào các vấn đề như: cấp vốn cho các công trình xây dựng, điều chỉnh giá nguyên vật liệu kịp thời; ngân hàng hạ lãi suất vay để các doanh nghiệp có khả năng vay vốn để tiếp tục triển khai dự án.

Mặt khác, ngân hàng cần có chính sách điều hành linh hoạt như nới rộng định mức cho vay, giãn nợ vay, có đủ ngoại tệ bán và giá bán phù hợp.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp đề xuất việc nhà nước cần tăng thuế nhập khẩu để bảo vệ doanh nghiệp thép trong nước. Trong đó, nhóm doanh nghiệp phôi thép đề nghị tăng thuế nhập khẩu phôi thép từ 2% lên 25% để bảo hộ sản xuất trong nước, tháo gỡ một phần khó khăn hiện nay. Nhóm doanh nghiệp sản xuất thép cuộn cán đề nghị tăng thuế nhập nhập khẩu thép cuộn cán nguội từ 7% lên 9%, có doanh nghiệp còn đề nghị tăng lên 20%.

Một số doanh nghiệp sản xuất ống thép hàn đề nghị tăng thuế tăng thuế nhập khẩu ống thép hàn từ 10% lên 20%. Doanh nghiệp kinh doanh thép tấm lá nhập khẩu đề nghị tăng thuế các sản phẩm thép cuộn cán nóng chiều dày từ 3 - 12mm từ 0% lên 10% để bảo hộ...

Có nên tăng thuế nhập khẩu?

Trong khi Hiệp hội Thép Việt Nam và một số doanh nghiệp như Hoà Phát, Đình Vũ, Nam Vang… đề nghị sử dụng công cụ thuế để bảo hộ ngành sản xuất phôi thép ở trong nước thì các chuyên gia kinh tế và nhiều doanh nghiệp khác lại khẳng định, việc này cần được xem xét cẩn thận trong mối tương quan đảm bảo lợi ích giữa doanh nghiệp sản xuất phôi thép và doanh nghiệp cán thép; giữa doanh nghiệp thép và các doanh nghiệp xây dựng - cơ khí, cũng như giữa doanh nghiệp sản xuất kinh doanh với quyền lợi tối thượng của người tiêu dùng.

Việc tăng thuế nhập khẩu phôi thép cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi được dùng thép giá rẻ của khách hàng…

Đại diện tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) cũng cho rằng Việt Nam vẫn là nước phải nhập khẩu phôi thép do sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu. Chính vì vậy, giải pháp nâng thuế chỉ nên áp dụng trong thời gian ngắn và phải tính toán dựa trên quyền lợi lâu dài của doanh nghiệp sản xuất phôi thép và cán thép.

Theo Thứ trưởng Cao Lại Quang, trước mắt, các doanh nghiệp cần phân tích tình hình, rà soát, xác định và điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh để tiêu thụ thép tăng lên; tìm mọi biện pháp kỹ thuật, công nghệ để giảm giá thành sản phẩm; đồng thời nâng cao vai trò liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ một số công trình xây dựng nhằm giải quyết khó khăn về vốn và tạo điều kiện thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép trong nước.

Bài học về việc sử dụng công cụ thuế không đúng thời điểm như thời gian qua khiến nhiều doanh nghiệp thép phải lao đao, thậm chí là phá sản vẫn còn đấy. Các doanh nghiệp đang mong chờ và hi vọng vào những quyết sách đúng đắn và kịp thời của Chính phủ để giúp cho ngành thép phát triển và thị trường được khởi sắc.

Lan Hương