1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đề xuất phá giá tiền Đồng 3-4% để “trả lại sức cạnh tranh”

(Dân trí) - Theo đề xuất của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), NHNN nên chủ động phá giá tiền đồng từ 3-4% trong vòng 2-3 năm tới, thông qua một số bước với biên độ 1-1,5%, để trả lại sức cạnh tranh cho hàng hoá sản xuất nội địa.

Đề xuất phá giá tiền Đồng 3-4% để “trả lại sức cạnh tranh”
Theo VEPR, điều chỉnh tỉ giá với biên độ hẹp trong nhiều năm gần đây là quá thận trọng và tiếp tục làm suy yếu khả năng cạnh tranh của nền kinh tế

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) – Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội vừa công bố báo cáo vĩ mô quý IV/2014, trong đó cho biết, tỉ giá dao động tuơng đối lớn trong năm 2014, buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) can thiệp hai lần vào thị trường tiền tệ. 

Trong năm vừa qua, tỉ giá chính thức tăng khoảng 1,4% và nằm trong giới hạn điều hành của NHNN (1,53%) trong khi tỉ giá tự do tăng hơn 2%. Không dưới 2 lần NHNN đã can thiệp vào phía cung với lượng ngoại tệ bán ra khoảng 1,5 đến 2 tỉ USD. 

Một lượng vốn lớn dưới dạng tiền gửi rút ra khỏi thị trường nội địa trong quý II và nhu cầu ngoại tệ gia tăng cuối quý IV là hai trường hợp đáng chú ý. Tỉ giá chính thức tăng gần 1% trong quý IV lên trên 21.400 VND/USD trong khi tỷ giá phi chính thức là 21.600 VND/USD.

Theo nhận định của nhóm nghiên cứu, so với nhiều đồng tiền tại thị trường mới nổi khác, đồng Việt Nam tỏ ra tương đối ổn định so với đồng USD. Cơ chế neo đồng VND vào USD được đảm bảo bằng việc can thiệp chủ động trên thị trường tiền tệ, kết hợp với dự trữ ngoại hối tương đối lớn và rủi ro vĩ mô thấp cho phép Việt Nam chủ động giới hạn độ mất giá của tiền đồng. Một bất cập của chính sách này là hậu quả tăng giá của VND so với USD và các ngoại tệ khác.

Theo VEPR, xu hướng này âm thầm diễn ra trong nhiều năm qua làm suy yếu sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước trước hàng nhập khẩu và hàng hoá trên thị trường quốc tế, và gián tiếp trợ giá cho tiêu dùng hàng nhập khẩu tại thị trường trong nước.

Nhóm nghiên cứu cho răng, sau nhiều năm có lạm phát cao, việc neo giá trị VND vào USD - khiến VND bị định giá cao - đã gây bất lợi cho hàng xuất khẩu và hàng hoá trong nước trước hàng nhập khẩu. Ảnh hưởng này trong nửa cuối 2014 còn nhân lên khi đồng USD tăng giá so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới, khiến VND tiếp tục mạnh lên và hàng hoá nhập khẩu rẻ hơn. 

“Điều chỉnh tỉ giá với biên độ hẹp trong nhiều năm gần đây là quá thận trọng và tiếp tục làm suy yếu khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam” – báo cáo của VEPR nhận định.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, NHNN nên chủ động phá giá tiền đồng từ 3-4% trong vòng 2-3 năm tới, thông qua một số bước với biên độ 1-1,5%, để trả lại sức cạnh tranh cho hàng hoá sản xuất nội địa.

Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm