Đề xuất nối lại chuyến bay thương mại quốc tế chở khách vào Việt Nam

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam, lộ trình nối lại chuyến bay thương mại quốc tế chở khách nhập cảnh được chia làm 3 giai đoạn, nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng.

Giai đoạn 1: Khôi phục các chuyến bay trọn gói (combo) với hành khách là công dân Việt Nam theo hình thức: các hãng hàng không Việt Nam cùng doanh nghiệp lữ hành phối hợp cơ quan ngoại giao và địa phương tiếp nhận cách ly tại khách sạn, tổ chức chuyến bay sau khi có phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền. 

Theo Cục Hàng không, các chuyến bay này có chi phí trọn gói gồm vé máy bay, xét nghiệm Covid-19, khách sạn cách ly, ăn trong 15 ngày, xe đón về khách sạn cách ly... Các chuyến bay trọn gói triển khai ngay đồng thời với các chuyến bay đưa công dân về nước (giải cứu) do Chính phủ tổ chức (công dân về cách ly tại các cơ sở cách ly quân đội). 

Đề xuất nối lại chuyến bay thương mại quốc tế chở khách vào Việt Nam - 1

Cục Hàng không đề xuất nối lại chuyến bay thương mại quốc tế chở khách vào Việt Nam (ảnh: Tiến Tuấn).

Các chuyến bay này có thị trường khai thác theo đề nghị của các hãng hàng không Việt Nam. Tần suất khai thác theo năng lực tiếp nhận cách ly của địa phương, chỉ được cấp phép bay sau khi phương án tiếp nhận cách ly được địa phương thống nhất.

Giai đoạn 2: Dự kiến triển khai từ tháng 7/2021 và thực hiện đồng thời với các chuyến bay trọn gói chở công dân Việt Nam về nước.

Theo đó, triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam có cách ly sau khi nhập cảnh, không yêu cầu hành khách phải có chứng nhận xét nghiệm Covid-19. Hành khách là công dân Việt Nam và nước ngoài.

Bước đầu lộ trình này áp dụng trên các đường bay giữa Việt Nam và Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan; tần suất 4 chuyến/tuần/chiều cho các hãng hàng không của mỗi bên. Dự kiến hàng tuần có 24 chuyến bay chở khách vào Việt Nam từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan với lượng hành khách cần cách ly là 6.000 đến 7.000 người.

Để triển khai, hãng hàng không đệ trình kế hoạch bay phải bao gồm phương án tiếp nhận khách cách ly được phê duyệt của địa phương nơi có sân bay tiếp nhận chuyến bay. 

Hành khách thanh toán trọn gói dịch vụ cho hãng hàng không hoặc đối tác được chỉ định gồm: tiền vé máy bay, chi phí cách ly 15 ngày tại các khách sạn của địa phương, chi phí đón từ sân bay tới khách sạn cách ly, tiền ăn tiêu chuẩn 3 bữa/ngày, chi phí xét nghiệm Covid-19. 

Các chi phí phát sinh khác hành khách sẽ thanh toán tại khách sạn cách ly. Mỗi chuyến bay định hướng bố trí hành khách nhập cảnh lưu trú tại 2 -3 khách sạn để việc giải tỏa khách được tập trung, nhanh chóng.

Giai đoạn 3: Dự kiến thực hiện từ tháng 9/2021, tùy thuộc vào tiến trình tiêm vắc xin Covid-19 tại Việt Nam và đánh giá về tính miễn dịch cộng đồng sau khi tiêm vắc xin đại trà trong xã hội.

Triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam, không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi áp dụng cơ chế "hộ chiếu vắc xin"

Các chuyến bay thực hiện với các quốc gia, vùng lãnh thổ công bố chấp nhận hiệu quả phòng dịch Covid-19 của cùng loại vắc xin mà Việt Nam đã công bố để áp dụng rộng rãi trong lãnh thổ Việt Nam. Tần suất ban đầu là 7 chuyến/tuần/chiều cho các hãng hàng không của mỗi bên.

Giai đoạn này không yêu cầu cách ly tập trung đối với hành khách có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Real-time PCR trong thời gian 3-5 ngày trước khi nhập cảnh Việt Nam và giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế do các cơ sở tiêm chủng được Chính phủ phê duyệt hoặc thuộc hệ thống cơ sở tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới đối với loại vắc xin phòng Covid-19 được Việt Nam công nhận tính hiệu quả để triển khai áp dụng tại Việt Nam. 

Hành khách sau nhập cảnh phải khai báo với chính quyền địa phương nơi cư trú và tự cách ly tại nơi cư trú từ 7-14 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Hành khách không có đủ giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế phải cách ly đủ 14 ngày theo hình thức chi phí trọn gói (tương tự chuyến bay trọn gói).