Đề xuất đưa mắc ca thành cây trồng mũi nhọn cần ưu tiên phát triển

(Dân trí) - Bổ sung cây mắc ca vào nhóm cây nông, công, lâm nghiệp mũi nhọn cần được ưu tiên phát triển trong giai đoạn tới tại Việt Nam là một trong các đề xuất đối với Thủ tướng trong Báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên về chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên.

Theo Báo cáo đề số 137-BC/BCĐTN ngày 09/03/2015 gửi Thủ tướng Chính phủ, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của đất nước; là vùng giàu tiềm năng, lợi thế để phát triển KTXH. Để phát triển Tây Nguyên bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế là nhiệm vụ hàng đầu và có tính chiến lược cả trước mắt và lâu dài.

Đề xuất đưa mắc ca thành cây trồng mũi nhọn cần ưu tiên phát triển

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Hiện Tây Nguyên đang có cà phê và cao su là những cây công nghiệp chủ lực, tuy nhiên, cả hai cây trên đều phát triển đạt ngưỡng. Với cơ sở khoa học thực tiễn trồng thử nghiệm và nhu cầu trong nước và trên thế giới về hạt mắc ca, Hội thảo“Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên” đi đến thống nhất về định hướng đưa mắc ca trở thành cây công nghiệp chiến lược mới nhằm phát triển KTXH khu vực Tây Nguyên.

Đồng thời với việc đề xuất bổ sung cây mắc ca vào nhóm cây nông, công, lâm nghiệp mũi nhọn (vì cây mắc ca đã được Chính phủ đưa vào danh sách là cây lâm nghiệp theo Văn bản số 1281/TCLN-PTR ngày 06/12/2010 của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác nhận cây Macadamia (mắc ca) là cây lâm nghiệp, nhưng loại cây này cũng trồng được ở cả đất nông nghiệp, phi nông nghiêp, phục vụ cho hoạt động sản xuất công nghiệp cũng như đem lại sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp và có tác dụng lớn, tích cực đến môi trường, thậm chí cả an ninh, quốc phòng).

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng đề nghị Thủ tướng xem xét và cho ý kiến chỉ đạo về việc ban hành các chủ trương, chính sách khuyến khích việc trồng, chế biến sâu, tiêu thụ sản phẩm của loại cây này (như chính sách hỗ trợ mặt pháp lý về quyền sử dụng đất cho nông dân cũng như các chủ trương, chính sách, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư vào cây mắc ca); Ban hành chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với hộ nghèo tại vùng biên giới xa xôi có ý nghĩa về chính trị; Cho phép thành lập Hiệp hội mắc ca Việt Nam nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp/hộ nông dân trong quá trình phát triển trồng, chế biến và tiêu thụ hạt mắc ca ở Việt Nam.

Đồng thời, báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thúc đẩy nhanh việc xây dựng Chương trình quốc gia về phát triển cây mắc ca trên cơ sở phối hợp với các địa phương có tiềm năng (các tỉnh Tây Nguyên), chú trọng việc phát triển cây mắc ca thành cây mũi nhọn của vùng Tây Nguyên với việc mở rộng quy mô diện tích một cách vững chắc (giai đoạn đầu chú trọng phát huy ưu thế trồng xen với các cây trồng khác, tiến tới phát triển trồng trên quy mô lớn), ứng dụng công nghệ cao và khai thác đồng bộ chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng chính sách ưu đãi về nguồn vốn để triển khai các sản phẩm tín dụng cho việc phát triển cây mắc ca, đồng thời khuyến khích hệ thống Ngân hàng thương mại đồng hành cùng Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt trong việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho các hộ nông dân trồng cây mắc ca.

Nhằm mục đích tái cơ cấu cây trồng trên cơ sở tìm kiếm cây công nghiệp chiến lược mới tại khu vực Tây Nguyên, Hội thảo “Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên” đã được tổ chức ngày 7/2/2015 tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. 

Hội thảo được tổ chức bởi Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Kinh tế Trung Ương, Tỉnh uỷ & Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, Công ty Cổ phần Him Lam, do Đại tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công An, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên chủ trì.

 An Hạ
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”