Chuyên gia:

Đề xuất đưa lãi suất về 0% mà đem lãi suất USD ra so sánh là khập khiễng

Việt Đức

(Dân trí) - Chuyên gia đánh giá việc dẫn chứng giải pháp hạ lãi suất ngoại tệ còn 0% thành công để so sánh với đề xuất hạ lãi suất tiền gửi VND về 0% của VAFI không hợp lý.

Ngay khi được công bố ngày 22/6, đề xuất hạ lãi suất tiền gửi VND về 0% của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nhận nhiều ý kiến phản biện của các chuyên gia kinh tế.

Đến ngày 23/6, VAFI lại lên tiếng khẳng định đề xuất trên "không viển vông" khi dẫn chứng gần 11 năm trước, hiệp hội này cũng đề xuất thành công giải pháp đưa lãi suất tiền gửi ngoại tệ về mức 0% dù cũng gặp phải sự phản đối. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng dẫn chứng này không hợp lý.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Giảng viên ĐH Kinh tế TPHCM, nêu quan điểm: "Không thể lấy việc hạ lãi suất gửi ngoại tệ 0% để nói đây là bài học kinh nghiệm để đưa lãi suất tiền gửi VND về 0%".

Theo ông, quy định lãi suất gửi ngoại tệ 0% khuyến khích người dân chuyển đổi ngoại tệ sang nội tệ, và liên quan đến các chính sách điều hành thị trường ngoại hối, ngoại thương, giảm tình trạng USD hóa nền kinh tế. Do đó, không thể lấy chính sách này để so sánh với đề xuất hạ lãi suất tiền gửi VND về 0%. 

Chuyên gia này cũng cho rằng việc gửi tiền tiết kiệm ngân hàng để nhận lãi là thói quen của người Việt hình thành trong thời gian dài. "Người dân mong muốn đã gửi tiền là phải có lãi, lãi càng cao càng tốt", ông nêu ý kiến.

Nếu muốn hạ dần lãi suất tiền gửi còn 0% để thay đổi thói quen tiết kiệm của người dân, thị trường tài chính phải có nhiều sản phẩm đầu tư thay thế để người dân lựa chọn. Ông phân tích, tại những nền kinh tế phát triển, người dân có nhiều sản phẩm đầu tư đa dạng ngoài kênh tiền gửi và tỷ lệ gửi tiết kiệm tại ngân hàng nhỏ.

Trong khi đó, thị trường Việt Nam chưa có nhiều kênh đầu tư tốt thay thế như vậy cho người dân lựa chọn. Thêm vào đó, nếu đưa lãi suất tiền gửi về 0%, nguy cơ dòng tiền rút khỏi ngân hàng sẽ khiến hệ thống bị ảnh hưởng ngay lập tức.

Đề xuất đưa lãi suất về 0% mà đem lãi suất USD ra so sánh là khập khiễng - 1

Đề xuất hạ lãi suất tiền gửi về 0% của VAFI nhận nhiều ý kiến phản đối (Ảnh minh họa).

Vì vậy, Tiến sĩ Quốc Anh nêu ý kiến cá nhân là việc hạ lãi suất tiền gửi bằng 0 tại Việt Nam không khả thi trong ngắn hạn 2-3 năm tới như đề xuất của VAFI. Thậm chí, trong dài hạn 20-30 năm tới cũng rất khó để thực hiện việc này.

Tiến sĩ Lê Hà Diễm Chi, Giảng viên Đại học Ngân hàng TPHCM, cũng cho rằng việc sử dụng lãi suất tiền gửi ngoại tệ 0% để tham khảo với lãi suất gửi tiền VND là sự so sánh rất khập khiễng, hoàn toàn không hợp lý.

Theo bà, tỷ trọng tiền gửi ngoại tệ so với tổng số lượng tiền gửi tại hệ thống ngân hàng rất thấp nên việc áp dụng lãi suất 0%, thậm chí thu phí, cũng không tạo ra nhiều tác động. Trong khi đó, việc hạ lãi suất tiết kiệm xuống 0% sẽ "ảnh hưởng rất lớn đến đông đảo người dân".

Bà nhận định việc hạ lãi suất để hướng dòng tiền tiết kiệm nhàn rỗi chảy sang thị trường chứng khoán, đầu tư vào trái phiếu cũng thiếu cơ sở. "Không phải ai cũng có kiến thức về tài chính, đầu tư để sẵn sàng mua trái phiếu", bà nói. 

Trong khi đó, nếu dòng tiền rời khỏi kênh tiết kiệm, nguy cơ lớn sẽ chuyển sang bất động sản khi chưa có nhiều rào cản siết chặt. Thậm chí, dù có ban hành quy định thuế tài sản, người dân vẫn sẽ tìm cách để tham gia đầu tư bất động sản khi không nhiều người đủ kiến thức để tham gia thị trường chứng khoán.

"Đó là chưa đề cập đến trạng thái thanh khoản của ngân hàng khi có nhiều người rút tiền. Do đó, đề xuất hạ lãi suất tiền gửi tiết kiệm còn 0% trong ngắn hạn không phù hợp với thực tế thị trường Việt Nam", TS Chi cho hay.