Đề xuất đưa lãi suất tiền gửi về 0% là không khả thi, gây nhiều rủi ro
(Dân trí) - Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, việc đưa lãi suất tiền gửi về 0% là không khả thi, gây rủi ro cho nền kinh tế khi lạm phát của Việt Nam vẫn neo ở mức cao.
Mới đây, hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) vừa đề xuất hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%. Theo VAFI, chính sách này sẽ bảo đảm lãi suất cho vay cực thấp (2-5%), qua đó kích thích hệ thống doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển, bảo đảm an sinh xã hội cho người thu nhập thấp.
Trao đổi với Dân trí, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhấn mạnh, đề xuất hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0% là không khả thi. Lý do là bởi, lãi suất tiền gửi ở Việt Nam hiện vẫn ở mức 4 - 5%/năm, nếu hạ lãi suất sẽ dẫn đến hiện tượng người dân ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng để đầu tư vào các kênh như chứng khoán, bất động sản.
Hơn nữa, chính sách này sẽ gây rủi ro cao cho nền kinh tế trong khi lạm phát ở Việt Nam vẫn ở mức cao, khoảng 4% trong năm nay. Nếu đưa lãi suất tiền gửi về 0%, điều này sẽ gây rúng động hệ thống tài chính, đưa đến khủng hoảng cho các ngân hàng, đặc biệt là về thanh khoản.
"Với các quốc gia đưa được lãi suất tiền gửi về 0% thường phải đảm bảo 2 yếu tố. Thứ nhất là tỷ lệ lạm phát thấp, thứ hai là ngân hàng không dựa quá nhiều vào nguồn huy động vốn trong dân. Đây là 2 điều kiện tiên quyết, nếu không, việc đưa lãi suất tiền gửi về 0% là không khả thi", ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, nhìn theo hướng tích cực, đề xuất này cũng có tác động tốt nếu lãi suất cho vay giảm xuống 3%. Do bởi, giữa lãi suất cho vay và chi phí vốn luôn có biên độ lợi nhuận là 3%, nếu lãi suất huy động là 0%, lãi suất cho vay là 3% thì các ngân hàng mới đồng ý cho vay. Điều này tạo điều kiện tốt cho các cá nhân, doanh nghiệp đi vay vốn làm ăn, sản xuất trong mùa dịch Covid-19.
Tuy nhiên, mặt tiêu cực của đề xuất này là các ngân hàng sẽ gặp vấn đề về thanh khoản khi người dân ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng. Khi đó sẽ cần phải có bàn tay trợ giúp của ngân hàng nhà nước để tiếp thêm thanh khoản, nếu không sẽ xảy ra khủng hoảng, biến động tài chính lớn.
Phản bác về đề xuất VAFI kiến nghị hướng mạnh dòng tiền nhàn rỗi chảy mạnh vào thị trường trái phiếu, ông Hiếu cho rằng, thị trường trái phiếu ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ, không phổ biến với người dân. Người dân vẫn chưa biết nhiều đến thị trường trái phiếu, chủ yếu vẫn là các nhà đầu tư.
Mặt khác, thị trường trái phiếu ở Việt Nam mới nở rộ cách đây vài năm nên chưa có sự ổn định khi các nhà phát hành dùng lãi suất cao để hấp thụ vốn, đây là rủi ro rất lớn cho thị trường trái phiếu.
"Thị trường trái phiếu cần có xếp hạng tín nhiệm, như ở Việt Nam hiện nay mới chỉ có 2 công ty xếp hạng tín nhiệm mà 2 công ty này mới hoạt động. Do sự vắng bóng của xếp hạng tín nhiệm nên trái phiếu Việt Nam chưa được đánh giá đúng mực. Đó là lý do, thị trường trái phiếu không phải là nguồn vốn bổ sung cho nguồn vốn huy động ở các ngân hàng", ông Hiếu nói.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV chỉ ra, khi doanh nghiệp huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu, do không có tài sản đảm bảo, chủ yếu là tín chấp thì doanh nghiệp sẽ phải trả lãi suất khá cao. Chưa kể, nếu doanh nghiệp đó chẳng may phá sản, nhà đầu tư trái phiếu gần như mất trắng vì không có tài sản đảm bảo, không có bảo hiểm tiền gửi như khi gửi tiền vào ngân hàng.
Hơn nữa, lạm phát Việt Nam hiện cao hơn nhiều so với quốc tế và khu vực. Chính vì vậy, người dân có kỳ vọng gửi tiền vào ngân hàng, được hưởng lãi suất ít nhất là cao hơn tỷ lệ lạm phát để hưởng lãi suất dương.
Nếu đưa lãi suất tiền gửi về 0% khi lạm phát vẫn khoảng 3,5% thì người dân liệu có mặn mà gửi tiền vào ngân hàng. Trong khi, hệ thống ngân hàng thiếu tiền gửi, vừa hứng chịu rủi ro thanh khoản, vừa không có đủ tiền để đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế.
"Nhìn chung, đề xuất đưa lãi suất tiền gửi về 0% là thiếu thực tiễn và không khả thi", TS. Cấn Văn Lực kết luận.
Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, đề xuất đưa lãi suất tiền gửi về 0% là rất "táo bạo" nhưng chưa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Theo ông Thịnh, thực chất, đề xuất này liên quan nhiều đến vấn đề huy động vốn của nền kinh tế nên cần được xem xét, nghiên cứu cẩn trọng. Năm nay, Việt Nam đang cố gắng giữ mức lạm phát dưới 4% nên rõ ràng, người dân gửi tiền vào ngân hàng mong muốn sẽ được hưởng lãi suất là cao hơn tỷ lệ lạm phát.
Nếu lãi suất tiền gửi quá thấp, người dân sẽ rút tiền khỏi ngân hàng để mang đi đầu tư vào những kênh khác như chứng khoán, bất động sản. Điều này sẽ khiến thanh khoản ở các ngân hàng cực kỳ căng thẳng, thậm chí là xảy ra các biến động lớn cho nền kinh tế.