1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đề xuất đưa EVN, PVN, Viettel vào đối tượng của Luật đầu tư công

(Dân trí) - Có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định để đưa Tập đoàn Dầu khí PVN, Tập đoàn Điện lực EVN, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel vào đối tượng đầu tư công.

Đề xuất đưa EVN, PVN, Viettel vào đối tượng của Luật đầu tư công - 1

Các đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Sáng ngày 13/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) với 90,70% đại biểu Quốc hội tán thành. Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020. 

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) trước khi Quốc hội thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định để đưa Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) vào đối tượng đầu tư công và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết về trình tự thực hiện.

Tuy nhiên, cơ quan thường trực Quốc hội cho rằng, Điều 4 Luật sửa đổi quy định đối tượng, cơ quan được Thủ tướng giao kế hoạch đầu tư công gồm "cơ quan, tổ chức khác được giao kế hoạch đầu tư công". Mặt khác, vốn nhà nước để lại cho đầu tư tại một số tập đoàn từ năm 2019 được đưa vào thu ngân sách nhà nước, phân bổ và giao dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Vì thế, nếu PVN, EVN, Viettel được giao kế hoạch đầu tư công thì chịu sự điều chỉnh của Luật Đầu tư công theo quy định tại khoản 4 điều 4. "Quy định trên đã bảo đảm tính bao quát và chặt chẽ", Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẳng định.

Ngoài ra, trong quá trình thảo luận, một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A, B, C.

Chính phủ muốn điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ đồng lên 20.000 tỷ đồng và điều chỉnh mức vốn phân loại dự án nhóm A, B, C lên tương ứng gấp 2 lần mức quy định hiện hành.

Tuy nhiên, đa số đại biểu chọn phương án giữ như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia (10.000 tỷ đồng) và tiêu chí phân loại dự án nhóm A, B, C.

Theo Luật Đầu tư mới thông qua, dự án quan trọng quốc gia được quy định là dự án đầu tư độc lập hoặc cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau thuộc một trong các tiêu chí: Sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên; Các dự án có hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm: Nhà máy điện hạt nhân; Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 héc ta trở lên; Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 héc ta trở lên; Di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác...

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm