1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Đề xuất bỏ công chứng hợp đồng mua bán nhà

(Dân trí) - Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp đề xuất những nội dung sửa đổi Luật Nhà ở, trong đó có đề nghị bãi bỏ thủ tục công chứng đối với 7 loại hợp đồng về nhà ở, nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan.

Cụ thể, Bộ Xây dựng đề nghị sửa đổi khoản 3 Điều 93 theo hướng không bắt buộc phải công chứng, chứng thực đối với 7 loại hợp đồng, gồm: mua bán nhà ở, đổi nhà ở, tặng cho nhà ở, thế chấp nhà ở, thuê mua nhà ở, thuê nhà ở của tổ chức có chức năng kinh doanh bất động sản, thuê nhà ở của cá nhân và hộ gia đình có thời hạn cho thuê dưới 6 tháng.

Xung quanh vấn đề này, Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường - đã bày tỏ sự ủng hộ đề xuất của Bộ Xây dựng. Theo GS Võ, công chứng hợp đồng về nhà ở có cái lợi lớn nhất là hạn chế rủi ro cho các bên tham gia giao dịch. Tuy nhiên, cái bất lợi là thêm thủ tục.
Đề xuất bỏ công chứng hợp đồng mua bán nhà - 1
Liệu các hợp đồng giao dich nhà ở tới đây có phải qua công chứng?

Hiện có 2 cơ quan tham gia quá trình thực hiện hợp đồng nhà đất là công chứng và văn phòng đăng ký nhà đất. Nếu chúng ta quan niệm tất cả hợp đồng còn có thủ tục đăng bộ tại cơ quan quản lý chuyên ngành thì có lẽ bãi bỏ công chứng là được, không nhất thiết phải có hai cơ quan đảm trách việc này như hiện nay.

Công chứng không thể làm được việc đăng bộ vì đây là chuyên ngành, tốt nhất là giao cho cơ quan chuyên ngành nhưng phải bắt buộc cơ quan quản lý phải có trách nhiệm giúp người dân xác nhận tính pháp lý của hợp đồng, tránh rủi ro do tính không phù hợp với pháp luật của hợp đồng gây ra.

Trong khi đó, không ít công chứng viên lại phản đối đề xuất trên. Theo họ, việc này chưa đánh giá đúng bản chất của vấn đề, chưa phù hợp với thực tế. Hiện, với việc xã hội hóa hoạt động công chứng thì các giao dịch về nhà đất đã được các tổ chức hành nghề công chứng tiếp nhận và giải quyết nhanh chóng, thuận lợi hơn rất nhiều và gần như người dân ít còn kêu ca về thủ tục công chứng.

Về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở đối với các loại hợp đồng nói trên, cũng trong văn bản gửi Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng đề xuất: Trường hợp mua, nhận tặng cho, nhận đổi nhà ở, thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở được tính từ ngày bên nhận quyền sở hữu nhà ở được cấp giấy chứng nhận nhà đất. Với trường hợp mua nhà ở của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, thời điểm này được tính từ ngày bàn giao nhà ở cho bên mua.

Đối với trường hợp thuê mua nhà ở, thời điểm này được tính từ ngày bên thuê mua được cấp giấy chứng nhận nhà đất. Đối với trường hợp mua nhà ở trả chậm, thời điểm này được tính từ ngày bên mua thanh toán hết tiền mua nhà ở cho bên bán, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Với trường hợp thừa kế nhà ở, thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở được tính từ thời điểm mở thừa kế. Đối với trường hợp pháp nhân cho tặng nhà ở thì thời điểm này được tính từ ngày bên cho tặng ký văn bản cho tặng.

LH