Đề nghị tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán, bất động sản

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Ủy ban Kinh tế cho biết, có ý kiến đề nghị tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán, bất động sản, kinh doanh nền tảng kỹ thuật số, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số hàng hạn chế tiêu dùng.

Đề nghị tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán, bất động sản - 1

Quy mô thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong 2 năm tới (2022 - 2023) dự kiến khoảng 347.000 tỷ đồng (Ảnh: Mạnh Quân).

Tác động gói hỗ trợ tới kinh tế ra sao?

Tại kỳ họp Quốc hội bất thường diễn ra ngày 4/1, Chính phủ đã trình dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, quy mô thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong 2 năm tới (2022 - 2023) dự kiến khoảng 347.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết, gói chính sách tiền tệ, tài khóa nêu trên sẽ có một số tác động đến chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, an toàn tài chính quốc gia, vay và trả nợ công cần chú ý.

Cụ thể như bội chi NSNN bình quân năm 2022-2023 tăng thêm khoảng 1,2% GDP mỗi năm; nợ công đến cuối năm 2025 khoảng 49-50%GDP; nợ Chính phủ 45-46%GDP; chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước có thể có năm vượt 25%; áp lực lạm phát.

Với yêu cầu huy động nguồn lực lớn cho Chương trình, ông Dũng cũng nhấn mạnh việc tổ chức thực hiện cần thận trọng, có phương án, giải pháp điều hành kịp thời, linh hoạt, phù hợp trong các tình huống xấu nhất để hạn chế tác động tiêu cực đến các cân đối vĩ mô, mặt bằng lãi suất, tỷ giá, xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Chính phủ cũng đã trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về một số chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình.

Cụ thể như đề nghị tăng bội chi NSNN để có nguồn thực hiện Chương trình với tổng số tiền là 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023; trong đó năm 2022 khoảng 102.800 tỷ đồng, tăng tỷ lệ bội chi NSNN lên 5,08% GDP (tăng thêm khoảng 1,1% GDP so với dự toán NSNN năm 2022 đã được Quốc hội thông qua).

Đồng thời cho phép nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN bình quân giai đoạn 2021-2025 có thể cao hơn 25%; tổng mức vay, trả nợ của NSTW có thể cao hơn Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia Quốc hội đã phê duyệt; kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân thấp hơn 9 năm. Chấp thuận việc NSNN có thể vay các nguồn tài chính hợp pháp khác phù hợp và hoàn trả khi có nguồn trong kế hoạch tài chính - NSNN hàng năm hoặc các nguồn khác; Bộ Tài chính phát hành trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước.

Chính phủ cũng đề nghị tiếp tục miễn, giảm thuế khoảng 64.000 tỷ đồng trong năm 2022 và tính vào bội chi NSNN tương ứng (đã tính trong tổng số kiến nghị tăng bội chi 240.000 tỷ đồng nêu trên)...

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề xuất các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho phòng, chống dịch được tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp. Khoản được đề nghị không tính thuế thu nhập doanh nghiệp là tiền mặt hoặc hiện vật hỗ trợ.

Giảm và tăng thuế 

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho biết đa số tán thành việc chấp nhận thâm hụt NSNN tăng ở mức cao hơn, mỗi năm tăng khoảng 1% đến 1,2% GDP trong 2 năm thực hiện Chương trình.

Trước đề nghị từ Chính phủ, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến thống nhất với chủ trương miễn, giảm một số loại thuế, phí, trong đó thống nhất chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% áp dụng cho các mặt hàng chịu thuế suất 10% nhưng đề nghị rà soát đối tượng áp dụng; cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực cần được kích cầu, có tác dụng lan tỏa, cần loại trừ các sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ngoài ra phần lớn các ý kiến cho rằng, huy động xã hội hóa trong giai đoạn tới chưa được đánh giá kỹ lưỡng. Chưa kể, việc tính toán chi phí thực tế được khấu trừ có nhiều rủi ro như giá kit test xét nghiệm hoặc giá trị tài trợ thông qua vật tư, thiết bị y tế bị đẩy giá lên cao thời gian vừa qua... Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị thực hiện theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong khi đó, cũng có ý kiến việc cho phép loại trừ chi phí ủng hộ phòng, chống Covid-19 và không tính thuế thu nhập doanh nghiệp khoản chi này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức tiếp tục ủng hộ, huy động thêm nguồn lực chống dịch. Vì thế, các ý kiến này đồng tình với đề xuất của Chính phủ, nhưng chỉ những khoản hỗ trợ bằng tiền mới được loại trừ, không tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cân nhắc quy mô, liều lượng của việc miễn, giảm thuế. Nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu biện pháp cho trừ bổ sung theo tỷ lệ nhất định trên cơ sở chi phí thực tế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp, áp dụng trong ngắn hạn (chi phí tạo tài sản cố định trong 2 năm 2022 - 2023 và chi phí lao động năm 2022).

Cùng với đó là đề nghị tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán, bất động sản, lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số hoặc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng.

Còn đối với một số chỉ tiêu khác liên quan đến kế hoạch tài chính quốc gia, vay và trả nợ 5 năm, cơ quan của Quốc hội đề nghị Chính phủ trước mắt cân nhắc việc điều chỉnh; thực hiện điều chỉnh linh hoạt trong 2 năm 2022-2023 nhưng cần có giải pháp để phấn đấu đạt các chỉ tiêu tài chính quốc gia 5 năm vào cuối giai đoạn 2021-2025.

Lãnh đạo Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh việc Chính phủ và các bộ, ngành cam kết, làm rõ trách nhiệm chính trị, trách nhiệm giải trình, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và giám sát quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, bảo đảm đúng mục tiêu, tránh lạm dụng chính sách, bảo đảm tính hiệu quả và khả thi.