Đề nghị giao cấp huyện quyết định phân bổ dự toán ngân sách Trung ương
(Dân trí) - Đại biểu đề nghị phân cấp cho hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hằng năm chi tiết đến dự án thành phần.
Chiều 16/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Phân cấp triệt để cho cấp huyện
Góp ý về một số nội dung cụ thể liên quan đến việc phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái) thống nhất với quy định hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần.
Tuy nhiên, theo ông Luận, thực tế việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương cho thấy một số nội dung dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia đã hoàn thành do đó không còn đối tượng để thụ hưởng hoặc đối tượng thụ hưởng chưa đủ điều kiện để hỗ trợ theo quy định.
Trong khi đó, các nhiệm vụ, nội dung chi cho đầu tư cơ sở hạ tầng là rất cần thiết, nhưng nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là đối với các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Do vậy, ông Luận đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung thêm quy định: "Cho phép hội đồng nhân dân tỉnh điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn từ chi thường xuyên của các nội dung, dự án không còn đối tượng chi hoặc không có khả năng giải ngân để chuyển sang chi đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới", để tạo tính linh hoạt, chủ động cho các địa phương trong cân đối, sử dụng nguồn lực phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngoài ra, về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, ông Luận đề nghị Quốc hội xem xét, lựa chọn phương án 2.
"Phương án này sẽ tháo gỡ được khó khăn cho các địa phương, đảm bảo phân cấp triệt để cho cấp huyện, tạo sự chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và đảm bảo thống nhất về mục tiêu chung của tỉnh", ông Luận nhấn mạnh.
Việc quy định hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tiễn, được quyết định lựa chọn một huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp là phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương.
Đồng thời, ông Luận đề nghị trong Nghị quyết cần quy định thêm: "Trên cơ sở kết quả phân cấp, hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thể quyết định phân cấp thêm cho các huyện khác nhưng không vượt quá 50% số đơn vị cấp huyện trên địa bàn".
Cũng góp ý về cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm, đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) nêu rõ, dự thảo quy định theo hướng hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần. Trường hợp cần thiết, hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp cho hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định.
Đại biểu đặt vấn đề trường hợp cần thiết là trường hợp nào, trường hợp nào là không cần thiết hiện chưa làm rõ. Bà Luyến đề nghị phân cấp cho hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần.
Cần làm rõ điều kiện về "trường hợp thật cần thiết"
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, việc ban hành nghị quyết của Quốc hội về 1 số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia là cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn cho địa phương và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Về nội dung nghị quyết, tại khoản 5 đưa ra 2 phương án, ông Tiến cho rằng nên quy định theo Phương án thứ nhất, để tổ chức thực hiện được ngay giai đoạn 2024-2025. Tại điểm c khoản 1 có quy định "trường hợp thật cần thiết", ông đề nghị cần làm rõ điều kiện hoặc nguyên tắc về "Trường hợp thật cần thiết" để thống nhất tại các địa phương.
Ngoài ra, tại điểm b khoản 4 quy định "cơ quan tài chính cùng cấp hoặc UBND cấp xã chịu trách nhiệm xác định giá thị trường". Ông Tiến đề nghị làm rõ về phương pháp xác định giá thị trường để có sự thống nhất giữa các địa phương.
Đóng góp ý kiến phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) bày tỏ thống nhất với cơ chế đặc thù thực hiện dự toán chi thường xuyên. Trên thực tế, khi Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo dự án thành phần, lĩnh vực sẽ đảm bảo được việc kiểm soát chi đúng mục đích theo mục tiêu đề ra.
Nhưng bên cạnh đó, ông Hải cho rằng cũng còn những khó khăn, vướng mắc nảy sinh như trường hợp chi không đúng đối tượng, nội dung chi không còn phù hợp với thực tiễn của địa phương dẫn đến kết quả giải ngân vốn ngân sách thấp, đặc biệt là vốn sự nghiệp của chương trình mục tiêu quốc gia...
Để khắc phục vấn đề trên, ông Hải cho rằng Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm theo tổng kinh phí chi thường xuyên cho từng chương trình mục tiêu quốc gia và giao cho hội đồng nhân dân địa phương phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần là hoàn toàn phù hợp, giúp cho các địa phương chủ động hơn và phân bổ sát thực tiễn thực hiện các nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Ông Hải đề nghị tại điểm c khoản 1 cần làm rõ khi nào cần thiết hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp cho hội đồng nhân dân cấp huyện phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần.
Theo ông Hải, nên xem xét giao cho hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố trong tổng kinh phí chi thường xuyên và giao hội đồng nhân dân cấp huyện phân bổ chi tiết đến từng dự án nội dung thành phần. Qua đó giúp chủ động cho các huyện và sử dụng chi thường xuyên sát thực tiễn và hiệu quả.
Ông Hải cũng đề nghị cần phải có quy định rõ tiêu chí, nguyên tắc phân bổ để các địa phương thực hiện đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, thực hiện tốt các mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia đề ra, tránh tình trạng phân bổ một cách chủ quan, tập trung vào một số dự án cụ thể.