1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Đầu tư vào Nga nên tránh hình thức liên doanh

Theo khuyến cáo của Chủ tịch Hội người Việt tại Liên bang Nga Đỗ Xuân Hoàng, doanh nghiệp nên đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài khi làm ăn tại đây. Khâu vướng nhất trong làm ăn với Nga là thanh toán, vì vậy nếu liên doanh sẽ không hiệu quả.

Tại buổi thảo luận về thương mại dịch vụ trong khuôn khổ Hội nghị doanh nhân Việt kiều ở Đà Nẵng, ông Hoàng đã chia sẻ kinh nghiệm nhiều năm làm ăn trên đất Nga.

 

Theo ông, để đảm bảo hiệu quả và độ tin cậy cao trong toàn chuỗi xuất khẩu, bán hàng, thanh toán, các nhà sản xuất và xuất khẩu trong nước nên gắn khâu phân phối với sản xuất chặt chẽ hơn nữa, thậm chí cho nhà phân phối tham gia cổ phần trong doanh nghiệp của mình như một cách chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và rủi ro chung.

 

Ông Hoàng cũng khẳng định, để làm ăn thành công với Nga, yếu tố thân thiết với chính quyền địa phương là cực kỳ quan trọng.

 

Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đảm bảo yếu tố minh bạch trong hoạt động của mình, không nên ỷ lại vào mối quan hệ tốt với chính quyền. Đồng thời tuyệt đối tránh tâm lý kinh doanh tạm bợ, chụp giật, ỷ lại vào đặc thù thị trường có yêu cầu chưa cao để bán hàng chất lượng kém hoặc không ổn định. Ngược lại phải có ý thức xây dựng thương hiệu lâu dài cho sản phẩm.

 

Nga đang sắp xếp lại cơ cấu thị trường theo trật tự mới, ổn định hơn nên giới doanh nhân Việt tại Nga vẫn đánh giá đây là mảnh đất tiềm năng cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.

 

Rất nhiều dự án trong nước đã được Bộ Kế hoạch đầu tư cấp phép kinh doanh sang Nga. Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nga kỳ vọng nhiều vào dự án xây dựng Trung tâm thương mại TPHCM tại Matxcơva, bởi đây là một trong ít ỏi dự án của Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ bất động sản.

 

Hiện một doanh nghiệp thủy sản cũng đang đầu tư mở một trung tâm thủy sản Việt tại thủ đô nước Nga với quy mô 36.000 m2, dự kiến mức vốn huy động 16-18 triệu USD. Hàng loạt doanh nhân trong ngành thực phẩm, may mặc, giày dép… cũng đang ngắm nghía thị trường này nên cần nhiều thông tin cũng như kinh nghiệm của người đi trước.

 

Các doanh nghiệp Việt Nam tại đất nước này tin rằng, sắp tới, khi Ngân hàng liên doanh Việt-Nga được thành lập sẽ lấp khoảng trống khó khăn vẫn tồn tại nhiều năm nay trong khâu thanh toán và đầu tư giữa hai bên.

 

Nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt Nam tại Nga

 

Số liệu của các cơ quan Nga công bố, hiện có khoảng 100.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm ăn tại đất nước này (con số mà Việt Nam công bố là 80.000 người), hầu hết vẫn mang quốc tịch, hộ chiếu Việt Nam, chỉ khoảng 700 người có quy chế Việt kiều tại Nga. 70% sinh sống tại Matxcơva và các thành phố lớn như Saint Petecburg, Volgagrad, Ekaterenburg…

 

Đa số người Việt tại Nga là tiểu thương buôn bán nhỏ ở các chợ, ốp, trung tâm thương mại. Một số ít lập công ty kinh doanh thực phẩm, gia công hàng may mặc, giày dép hoặc các ngành dịch vụ như xuất nhập khẩu, vận tải, giấy tờ tùy thân…

 

Có mức độ thành công và quy mô khác nhau, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đạt mức doanh thu hơn 100 triệu USD mỗi năm. Doanh nghiệp TD Rollton, thành viên của FG Group, đã được tạp chí Forbes đưa vào danh sách 200 công ty lớn nhất tại Nga.

 

Song giới đầu tư vẫn cho rằng vị thế doanh nghiệp Việt Nam tại Nga vẫn còn rất thấp so với cộng đồng các nước khác, tuy quy mô kinh doanh của kiều bào không nhỏ. 

 

Ông Nguyễn Bá Anh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nga, cho rằng, phần lớn doanh nghiệp và cộng đồng người Việt tại Nga chưa có khả năng thích ứng cao trong các biến động, thiếu tính pháp lý-pháp nhân, hoạt động vẫn mang tính tự phát, thiếu tính toán dài hạn…

 

Nhiều thách thức đang đặt ra cho thương nhân Việt ở Nga, khi đất nước này cũng trên đường cải tổ và hội nhập kinh tế, một bối cảnh gần giống VN hiện nay.

 

Theo ông Anh, những thách thức lớn mà doanh nghiệp Việt kiều đang phải đón nhận là sự phân chia thị trường đối với hàng hóa và dịch vụ tại Nga, khiến cạnh tranh gay gắt, các yêu cầu về pháp lý kinh doanh và kiểm soát thuế quan ngày càng chặt chẽ.

 

Vốn đầu tư cho một doanh nghiệp để khởi nghiệp ngày càng cao, vượt quá tầm của nhiều doanh nhân Việt có mức vốn tự có khi kinh doanh buôn bán tại các chợ. Trong khi đó, tại Matxcơva và các thành phố lớn, những hình thức trung tâm thương mại khép kín (chợ) của người Việt đang giảm hiệu quả nhưng lại chưa có cơ cấu chuyển đổi phù hợp…

 

Trong bối cảnh này, ông Anh cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Nga sẽ phải nhanh chóng lựa chọn những phương thức kinh doanh thích hợp và hội nhập vào nền kinh tế Nga hơn nữa để tồn tại và phát triển.

 

Tại các thành phố lớn, hướng an toàn nhất là chuyển sang kinh doanh các ngành dịch vụ như du lịch, nhà hàng, khách sạn, tư vấn pháp lý, xúc tiến đầu tư, y tế và chăm sóc sức khỏe, xây dựng và kinh doanh bất động sản, dịch vụ nhà ở, đại lý bảo hiểm, thương mại, may thêu mốt, vận tải hàng hóa và hành khách, dịch vụ nội bộ cộng đồng.

 

Hướng phát triển ở các tỉnh, ngoại ô thành phố lớn là đầu tư nhỏ và vừa vào sản xuất hàng công nghiệp nhẹ như may mặc, giày dép, thực phẩm, hàng nhựa, bao bì, đồ gỗ; vào nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản.

 

Đồng thời phải hội nhập kinh tế thế giới bằng cách liên doanh quốc tế để gia công hàng tiêu dùng, khai thác sự dịch chuyển sản xuất Đông-Tây và ngược lại, cũng như đầu tư vào công nghệ cao.

 

Theo Phan Anh

VnExpress