Đầu tư vào đâu để lãi 120%/năm?

Trong khi lãi suất ngân hàng đang là 7,5%/năm, vẫn có nơi có thể sinh lời cho nhà đầu tư với tỷ suất 120%.

Doanh nghiệp trả cổ tức "khủng"

Trong khi lãi suất ngân hàng chỉ là 7,5% và nhiều ông lớn như Masan thậm chí không trả cổ tức thì Công ty cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM) lại khiến nhà đầu tư nức lòng khi trả cổ tức năm 2012 với tỷ lệ cao ngất ngưởng 120%/năm. Cho tới ngày 8/4, HGM đã trả xong cổ tức đợt 3/2012.

2012 không phải năm đầu tiên HGM trả cổ tức “khủng”. Trong 2011, HGM cũng là điểm sáng trên thị trường chứng khoán khi giúp nhà đầu tư kiếm được khoản cổ tức cao ngất ngưởng 80%. Như vậy, chỉ sau một năm, tiền lãi mà doanh nghiệp này “đền ơn” nhà đầu tư đã tăng 50%. Trong khi đó, lợi nhuận lại giảm nhẹ.

Trong năm 2012, HGM tiếp tục dẫn đầu quán quân EPS năm 2012 với 137,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tương đương EPS đạt 21.874 đồng. Lợi nhuận 2012 giảm 7,5% so với năm 2011 nhưng so với kế hoạch 104 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế được đại hội cổ đông giao phó, kết thúc năm 2012, HGM vượt 44%.

FPT Online cũng là gương mặt thường xuyên được nhắc tới trong danh sách các công ty trả cổ tức khủng. Năm 2012, FPT Online trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ “trong mơ” 80%. Mặc dù thua kém HGM nhưng 80% vẫn là con số rất cao.

Nhà đầu tư có thể kim lãi khủng từ cổ tức
Nhà đầu tư có thể kim lãi khủng từ cổ tức
Công ty Cổ phần Cảng Đoạn Xá (DXP) mới đây cũng gây bất ngờ khi trong đại hội cổ đông diễn ra đầu tháng 4 năm nay, công ty đã đề nghị nâng tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt từ 30% theo kế hoạch lên tới 70%.

Theo kế hoạch được giao, năm 2012, Công ty Cổ phần Công viên nước Đầm Sen (DSN ) chỉ trả cổ tức tỷ lệ 36%. Tuy nhiên, Hội đồng quản trị đã thống nhất trình lên đại hội cổ đông phương án chi trả cổ tức với tỷ lệ "khủng" 60% (trên vốn điều lệ 84,5 tỷ đồng).

Công ty cổ phần CNG Việt Nam (CNG) “khiêm tốn” hơn khi “chỉ” trả cổ tức 2012 với tỷ lệ 45% bằng tiền mặt. Cũng giống DXP, CNG đặt chỉ tiêu khá thấp 35% nhưng quyết định tăng lên 45% vào phút chót.

Hiện tại, nhà đầu tư đang tập trung theo dõi những gương mặt quen trả cổ tức như Tập đoàn Vingroup. Trong khi đó, một số công ty trả cổ tức cao năm năm bất ngờ đi lùi. Đó là Công ty CP Bột giặt NET (NET); Công ty CP Bột giặt Lix (LIX)... Năm 2012, NET “chỉ” trả cổ tức tỷ lệ 40%. Con số này tại LIX là 31%. Nhưng dù đi lùi, thì đây vẫn là những tỷ lệ rất cao.

Cổ tức “khủng”, cổ đông vẫn chưa hài lòng

Những tưởng cổ tức cao sẽ khiến cổ đông vui mừng và nhiệt liệt hưởng ứng nhưng điều bất ngờ đã xảy ra. Trong Đại hội cổ đông, ngay sau khi có đề xuất nâng tỷ lệ chi trả cổ tức từ 30% theo kế hoạch lên tới 70%, có ít nhất hai cổ đông chưa đồng ý vì họ cho rằng như vậy là cao quá.

Lý luận cổ đông đưa ra không phải không có lý. Họ cho lo rằng việc chia cổ tức gần hết số lợi nhuận trong năm 2012 thể hiện DXP đang “dừng lại” khi thời gian gần đây không thấy công ty mở rộng đầu tư, trong khi các “đối thủ” thì không ngừng tiến lên.

Tuy nhiên, đại diện DXP đã trấn an cổ đông khi khẳng định việc mở rộng đầu tư cầu cảng cần một nguồn vốn khổng lồ. Chính vì thế, việc bớt trả cổ tức cho cổ đông, trên thực tế “chẳng giải quyết được vấn đề gì”.

Đại diện này còn khẳng định thêm nếu thực sự có cơ hội đầu tư, DXP sẽ cân nhắc việc vay vốn và phát hành thêm cổ phiếu.

Trong khi đó, cổ đông của FPT Online chưa hẳn đã hài lòng với tỷ lệ cổ tức cao ngất ngưởng 80%. Cổ đông FPT Online buồn lòng cũng có lý do vì chỉ xét riêng về cổ tức, công ty này đã… đi lùi. Năm 2011, FPT Online đứng đầu về mức cổ tức bằng tiền mặt cao nhất.

Cụ thể, năm 2011, FPT Online đạt 188 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt hơn 18.000 đồng. Công ty thực hiện trả cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông với tỷ lệ 100%. Ngoài ra, cổ đông FPT Online còn được nhận thêm cổ tức bằng cổ phiếu.

Như vậy, so với năm 2011, FPT Online đã mất danh hiệu doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt cao nhất, cổ đông của FPT Online cũng có phần “thiệt thòi” hơn khi cổ tức “tiền tươi thóc thật” giảm đáng kể.
Theo Thanh Hà
VTC