Đầu tư tư nhân: Vẫn phải từ từ!
(Dân trí) - Mặc dù nhìn nhận sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân ngày càng chiếm vị trí quan trọng song theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thì quá trình tư nhân hóa vẫn phải từng bước chứ không thể làm ngay lập tức.
Thời gian tới, sẽ huy động khối tư nhân, bao gồm cả nhà khu vực nước ngoài tham gia hoạt động đầu tư (ảnh chinhphu.vn).
Chiều nay (16/3) Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã tham gia phiên đối thoại trực tuyến với nhân dân thông qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Nhìn nhận về vấn đề “chia việc” giữa khu vực tư nhân và khu vực Nhà nước, người đứng đầu cơ quan đầu tư khẳng định, Bộ “hoàn toàn đồng tình và đang triển khai, giảm dần đầu tư công”.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, do lực lượng tư nhân chưa có nhiều nguồn lực, nên không phải những gì Nhà nước mong muốn xã hội hóa thì tư nhân đều có thể đáp ứng được. Sự tham gia của tư nhân ngày càng chiếm vị trí quan trọng, nhưng cũng phải từng bước chứ không thể ngay lập tức.
Nhắc lại tinh thần Nghị quyết Trung ương 3, Bộ trưởng cho biết, trong tái cấu trúc đầu tư mà trọng tâm là tái cấu trúc đầu tư công, những lĩnh vực mà tư nhân có thể đầu tư thì Nhà nước sẽ ưu tiên cho khu vực này.
Cụ thể, các năm tới, Nhà nước sẽ giảm dần tỷ trọng đầu tư từ NSNN và trái phiếu Chính phủ, huy động nhiều hơn từ các thành phần ngoài Nhà nước, kể cả khối nước ngoài tham gia đầu tư, trong đó bao gồm kết cấu hạ tầng.
Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, Nhà nước sẽ tập trung vào ngành nghề mang tính chất dịch vụ công, “rót” vốn cho vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn – tại những lĩnh vực này tư nhân làm không hiệu quả. Một số lĩnh vực nhạy cảm khác cũng cần bàn tay Nhà nước là quốc phòng và an ninh.
Hiện, tỷ trọng đầu tư công đang giảm dần và “room” cho khối tư nhân đang mở rộng. Nếu như trong giai đoạn 2001 - 2005, tỷ trọng của đầu tư nhà nước chiếm 53,4% tổng đầu tư toàn xã hội, khối tư nhân chiếm 32,6% thì đến giai đoạn 2011-2015, dự kiến, tỷ trọng đầu tư công sẽ giảm xuống còn 37- 39% còn khối tư nhân sẽ tăng đóng góp lên 45- 46%.
Chính phủ đã hết “nuông chiều” địa phương
Theo đánh giá của Bộ trưởng, mặc dù thời gian qua đã có sự phân cấp mạnh mẽ trong quản lý đầu tư, tạo sự chủ động của các Bộ, ngành, địa phương song vẫn còn có hiện tượng đầu tư dàn trải, lãng phí và tốn kém.
Vì vậy, ngay trong năm 2012 này sẽ xác định lại trách nhiệm của người ký quyết định phê duyệt đầu tư. Dẫn quy định tại Chỉ thị 1792, Bộ trưởng cho biết, nguyên tắc là ai ký quyết định đầu tư sẽ phải đảm bảo đủ vốn để công trình theo tiến độ, ví dụ công trình nhóm C không quá 3 năm, nhóm B không quá 5 năm.
Bên cạnh đó, mặc dù có phân cấp nhưng vẫn phải quản lý. Theo đó, phần vốn mà địa phương dự kiến xin Nhà nước sẽ phải báo cáo qua Bộ KHĐT và Bộ Tài chính để xem NSNN có cáng đáng được hay không.
Nếu trước đây, địa phương cứ ký là Chính phủ phải lo thì nay hai Bộ sẽ ‘gác cửa’ việc này và Chính phủ đưa ra những tiêu chí rất chặt chẽ. Theo đó, việc khởi công công trình nhóm B phải bố trí vốn trong năm đầu không được thấp hơn 20% tổng giá trị, nhóm C không được dưới 35%.
Trước đây, kinh phí được phân bổ về, các Bộ, ngành, địa phương căn cứ vào đó để xây dựng kế hoạch đầu tư. Nay, Thủ tướng Chính phủ sẽ giao Bộ KHĐT danh mục các công trình và kiểm soát. Theo Bộ trưởng Vinh, đây là một bước tiến lớn.
Ngoài ra, đề xuất khoán vốn trọn gói trong 5 năm cho Bộ, ngành, địa phương cũng sẽ yêu cầu các cơ quan đó phải lựa chọn những công trình thật tập trung, cần thiết và chỉ khi được Trung ương cho phép mới được làm.
Một khi đã “khoán” vốn và giám sát chặt chẽ như vậy, việc đầu tư dàn trải sẽ không còn và cũng chấm dứt thời kỳ địa phương được Trung ương “nuông chiều”.
Bích Diệp