Đầu tư nông nghiệp sang Lào, Campuchia còn tiềm ẩn nhiều rủi ro

(Dân trí) - Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng năm 2018, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam mới được cấp đã tăng thêm 357,5 triệu USD. Lào, Campuchia và Myanmar lần lượt xếp thứ 1, 2 và 8 trong các điểm đến đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia trong bộ tài liệu “Hướng dẫn tự nguyện: Giảm thiểu rủi ro về môi trường - xã hội cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp tại tiểu vùng Mê Kông” mới ra mắt sáng nay (10/1) thì, bên cạnh những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội cho Việt Nam, các quốc gia và cộng đồng tiếp nhận đầu tư thì đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp là ngành kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Rủi ro ở đây theo các tổ chức nghiên cứu không chỉ là do thiên tai, thời tiết, thị trường, đầu tư nông nghiệp còn tiềm ẩn những rủi ro liên quan tới môi trường và xã hội. Bởi nhu cầu về quỹ đất và lực lượng lao động ở tiểu vùng Mê Kông hiện đang lớn.

Đầu tư nông nghiệp sang Lào, Campuchia còn tiềm ẩn nhiều rủi ro - Ảnh 1.

Các diễn giả trao đổi về tài liệu hướng dẫn tự nguyện

Rủi ro này càng trở nên rõ rệt hơn khi phần lớn những dự án đầu tư nông nghiệp của Việt Nam ra nước ngoài tập trung vào các quốc gia như Lào, Campuchia. Vì đây là nơi mà hệ thống đăng ký và quản lý đất đai chưa hoàn thiện tập quán lao động thì chưa được định hình rõ nét.

Những khác biệt về văn hoá, pháp luật và môi trường giữa Việt Nam và các quốc gia tiếp nhận đầu tư này đã dẫn đến các tranh chấp ngoài mong muốn. Điều này gây ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện các dự án, quyền và lợi ích của người dân địa phương, cũng như hình ảnh của nhà đầu tư Việt Nam trong khu vực.

Chia sẻ cụ thể về những khó khăn mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khi đầu tư tại tiểu vùng Mê Kông, ông Phạm Quang Tú, chuyên gia của tổ chức Oxfam cho biết: “Một điều trớ trêu mà nhiều doanh nghiệp Việt đã gặp phải đó là việc, đất đai được thu hồi xong và giao cho doanh nghiệp rồi, nhưng người dân lại đến đòi đất. Và đặc biệt là các vùng đất rừng cộng đồng. Hầu hết các dự án của Việt Nam đều gặp vấn đề đó, chỉ là ít hay nhiều.”

“Điểm thứ 2 liên quan tới phong tục tập quán, văn hoá của người dân bản địa. Khi các nhà đầu tư Việt Nam sang không hiểu hết được nên dễ dẫn tới các xung đột”, ông Tú cho biết thêm.

Vấn đề thứ 3 theo ông Tú là môi trường, mặc dù là làm nông nghiệp nhưng lại trồng cây theo phương pháp công nghiệp, phải sử dụng phân bón, chất hoá học, thuốc trừ sâu nên sẽ ảnh hưởng tới môi trường. Đã có không ít các vụ kiện tụng về vấn đề này do nguồn nước và sự ảnh hưởng tới đời sống người dân.

Khó khăn cuối cùng là chính sách về lao động, tiền lương. Về cơ bản, tiền lương nhà đầu tư Việt Nam trả là tương đối phù hợp. Thế nhưng, vẫn có các trường hợp đặc thù do khác biệt về mặt ngôn ngữ. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam phải thuê một bên trung gian thứ 3 để làm việc với các lao động địa phương.

“Nhưng vấn đề là không phải lúc nào, bên thứ 3 cũng làm việc một cách rõ ràng. Họ có thể cắt xén thu nhập của công nhân và dẫn đến sự hiểu nhầm với nhà đầu tư Việt Nam”, ông Tú chia sẻ thêm.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) phát biểu: “Chúng tôi xây dựng Hướng dẫn Tự nguyện này nhằm cung cấp thông tin về quy trình đầu tư ra nước ngoài. Hướng dẫn này sẽ giúp các nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro trong hoạt động đầu tư, đồng thời cung cấp các thông tin và địa chỉ hữu ích giúp kết nối các bên nhằm tăng cường hiệu quả đầu tư”.

Thế Hưng

Đầu tư nông nghiệp sang Lào, Campuchia còn tiềm ẩn nhiều rủi ro - Ảnh 2.