1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đầu tư công yếu kém: Đề bài bí lời giải

Ai cũng đề cập việc quản lý tốt đầu tư công để tăng hiệu quả phát triển nền kinh tế, song những biện pháp thảo luận được đưa ra gần như chỉ mới dừng lại ở khâu “đề bài”, chưa có lời giải đáp đầy đủ.

Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, đầu tư công đã được xem xét để nới ra nhằm kích thích phát triển kinh tế sau thời kỳ siết chặt chống lạm phát. Ai cũng đề cập việc quản lý tốt đầu tư công để tăng hiệu quả phát triển nền kinh tế, song những biện pháp thảo luận được đưa ra gần như chỉ mới dừng lại ở khâu “đề bài”, chưa có lời giải đáp đầy đủ.
 
Kém hiệu quả nhưng khó cắt giảm

 

Kém hiệu quả nhưng khó cắt giảm

 

Đầu tư công hiện nay ở Việt Nam đang dàn trải, rộng khắp nhưng ở đâu cũng gặp vấn đề chậm tiến độ và kém hiệu quả. Chẳng hạn, 2 tuyến phát triển Hà Nội - Hải Phòng và TP.HCM - Vũng Tàu đã tập trung tới gần 80% giá trị sản lượng công nghiệp cả nước, nhưng cho đến nay vẫn chưa có đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao...

 

Hay rất nhiều kế hoạch đầu tư về cơ sở hạ tầng, từ sân bay, cảng biển, khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc Bắc - Nam... từ nay đến năm 2020. Nhưng thực tế là Việt Nam vẫn còn rất xa so với các nền kinh tế mới nổi trong phát triển cơ sở hạ tầng. Chính sự thiếu hợp lí này đã gây ra sự kém hiệu quả của các dự án đầu tư cũng như đánh mất nhiều lợi ích kinh tế từ những khu vực tiềm năng.

 

Hai nguyên nhân có thể được xem là tác nhân chính. Một nằm ở cơ chế đầu tư dự án từ Trung ương xuống địa phương vẫn chủ yếu phụ thuộc phần lớn vào "xin - cho". TS. Trần Xuân Bá từng nhận định: tổng mức đầu tư toàn xã hội đã tăng từ 35,4% GDP năm 2001 lên gần 42% GDP vào năm 2010. Tính theo tỉ lệ trên GDP, vốn đầu tư từ ngân sách trong giai đoạn 10 năm qua lên đến 9,8% gây ra nhiều bất cập mà rõ nhất là đầu tư công vượt quá khả năng của nền kinh tế dẫn đến đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả thấp.

 

Bên cạnh đó, sự "ưu ái" quá mức dành cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong việc tiếp cận nguồn vốn và nhiều chính sách hỗ trợ khác so với các doanh nghiệp tư nhân làm bức tranh phân phối dòng vốn méo mó. Thậm chí, Nhà nước còn đứng ra bảo lãnh các DNNN trong việc đi vay nợ lớn từ nước ngoài, kéo theo hệ quả gia tăng tỉ lệ tham nhũng trong đầu tư công.

 

Đầu tư chậm tiến độ sẽ làm phát sinh nhiều ảnh hưởng tiêu cực (hư hại cơ sở vật chất, máy móc,...) khiến dự án giảm và thậm chí không còn hiệu quả. Hơn nữa, nếu tiếp tục tiến hành dự án còn làm tăng chi phí đầu tư, gây ra tình trạng thất thoát vốn đầu tư, gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Chính điều này đánh một dấu chấm hỏi lớn về ranh giới giữa "lợi ích nhóm" và "lợi ích quốc gia".

 

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng những năm qua đa phần nhờ vào gia tăng đầu tư công. Song nếu chỉ nỗ lực thu hút vốn đầu tư, trong khi giá trị gia tăng thấp, không đáp ứng nhu cầu thị trường, khó cạnh tranh, làm nền kinh tế vẫn thiếu bền vững, đời sống người dân vẫn không cải thiện nhiều. Chưa kể đến việc lấy tăng trưởng dựa vào đầu tư sẽ tạo thêm nợ, một yếu tố ảnh hưởng nguy hiểm đến tình hình ổn định vĩ mô.

 

Theo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, tính đến cuối năm 2010, tỷ lệ nợ công Việt Nam so với GDP đã là 57,3%. Như vậy, để tài trợ cho thâm hụt ngân sách và đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, Việt Nam phải cầu viện đến những nguồn vốn nước ngoài như FDI, ODA khiến chiếc bẫy nợ công ngày càng lộ diện.

 

Giải quyết đầu tư tràn lan, kém hiệu quả đã khó, nay việc cắt giảm lại càng khó hơn, thậm chí không thể thực hiện vì nguy cơ gây ra sự lãng phí và vấp phải những trở ngại từ cấp địa phương. Việc cắt giảm, hiểu theo một cách khác là dừng một dự án giữa chừng, sẽ khiến "mất trắng" vốn đầu tư ban đầu do không thể đưa vào hoạt động. Địa phương đều muốn tỉnh mình nhận được đầu tư cho các dự án càng nhiều càng tốt, do đó sẽ tìm cách trì hoãn hay chống chế khỏi bị cắt giảm. Bởi lẽ càng nhiều dự án bị cắt giảm, lợi ích địa phương càng bị ảnh hưởng.

 

Luật Đầu tư công?

 

Để giải quyết những lỗ hổng trong đầu tư công, trước hết, cần gia tăng những hành động cụ thể vào đề án tái cơ cấu đầu tư công thông qua phối hợp thể chế, giám sát độc lập và cạnh tranh quốc tế đấu thầu. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu đầu tư công đòi hỏi một lộ trình và là sự kếp hợp đồng bộ giữa tái cấu trúc cả nền kinh tế lẫn hệ thống ngân hàng, như theo kiến nghị của nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Cao Sỹ Kiêm.

 

Cũng nên đặt vấn đề triển khai dự luật "Luật Đầu tư công", bên cạnh "Luật Ngân sách", "Luật Đầu tư"...nhằm đảm bảo cam kết tài chính đối với mỗi cơ quan, cá nhân nhận đầu tư, tránh tình trạng đầu tư dàn trải.

 

Tại hội thảo "Pháp luật về đầu tư công" do Văn phòng Chính phủ tổ chức vào ngày 12/6/2012 tại Hà Nội, các chuyên gia nhận định rằng mục tiêu của luật này nhằm giải quyết tất cả các vấn đề có liên quan đến các loại đầu tư nhà nước hiện nay như: đổi mới tư duy về vai trò và chức năng của Nhà nước, thu hẹp được phạm vi ngành, nghề và hoạt động đầu tư nhà nước; thấy được vai trò của Chính phủ, Trung ương và chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cho biết, hiện Chính phủ đã bắt đầu nghiên cứu về đạo luật này theo xu hướng tiến hành tái cơ cấu đầu tư công theo hướng nâng cao hiệu quả xã hội qua việc cần chủ động giảm thiểu dần đầu tư công, tăng đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trong tổng đầu tư xã hội, tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm như các lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

 

Trong khi đó, cách làm thực tế hiện nay là cần mạnh dạn cắt bỏ những dự án đầu tư kém hiệu quả và chưa đạt những yêu cầu về thủ tục cũng như các dự án có vốn đầu tư quá lớn, chưa thật cấp bách, có thời gian đầu tư dài. Thay vào đó, tập trung vào các dự án khác đáp ứng đủ các yêu cầu về thủ tục, đảm bảo hoàn thành trong hạn định và mang lại hiệu quả cao.

 

Về phương diện kinh tế, kích thích các tác nhân khác nhau cùng cạnh tranh trong nền kinh tế là một biện pháp hữu hiệu, mà trên hết cần hạn chế sự độc quyền của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay và tạo ra một môi trường kinh tế cạnh tranh lành mạnh để cả những doanh nghiệp tư nhân có thể cùng phát triển.

 

Cuối cùng, phải giảm bớt chức năng "nhà nước kinh doanh" và đồng thời tăng cường chức năng "nhà nước phúc lợi". Đẩy mạnh hiệu quả của các gói kích cầu hiện nay, ổn định nền kinh tế, từ đó kêu gọi đầu tư từ tư nhân để giảm gánh nợ từ các nguồn vay vốn khác (FDI hay ODA).

 

Khắc phục những vấn đề hiện tại trong đầu tư công không phải chỉ ngày một ngày hai. Điều quan trọng là Nhà nước cũng như các cơ quan bộ ngành cùng phía địa phương cần phối hợp chặt chẽ với nhau, kiên quyết biến lời nói thành những việc làm cụ thể.

 

Theo Lê Trân - Mỹ Vân

VEF

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm