Dầu Nga đi đâu khi phương Tây "quay lưng"?

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Để đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga đã chuyển hướng xuất khẩu dầu thô từ châu Âu sang Trung Quốc và Ấn Độ. 2 quốc gia này chiếm khoảng 90% sản lượng xuất khẩu dầu thô của Nga.

Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết gần như toàn bộ sản lượng dầu xuất khẩu của Nga đã chuyển hướng từ châu Âu sang Trung Quốc và Ấn Độ. 

Phó thủ tướng Nga cho biết các đối tác chính của nước này hiện là Trung Quốc, với thị phần hiện khoảng 45-50%, ngoài ra còn có Ấn Độ. Trước đây, ông cho biết Nga gần như không bán dầu sang Ấn Độ, nhưng sau 2 năm, nguồn cung sang nước này đã lên đến hơn 40%.

Ngược lại, thị phần của châu Âu từ mức 40-45% trước chiến sự hiện chỉ còn khoảng 4-5%. Năm 2023, Nga tích cực chuyển hướng năng lượng từ phương Tây sang châu Á, tận dụng tối đa đội tàu cũ để vận chuyển dầu thô.

Dầu Nga đi đâu khi phương Tây quay lưng? - 1

Nhà máy lọc dầu của tập đoàn dầu khí Nga Gazprom (Ảnh: AFP).

Xung đột Nga - Ukraine đã khiến phương Tây áp hàng loạt lệnh trừng phạt lên Nga, đồng thời tìm cách tránh phụ thuộc vào năng lượng nước này. Tuy nhiên, xuất khẩu dầu Nga năm 2023 đã vượt 7% so với số liệu năm 2021, lên tổng cộng 250 triệu tấn.

Ông Novak cho rằng những hạn chế và cấm vận chỉ đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng của Nga. Ông cũng cho biết Nga đang tuân thủ nghĩa vụ cắt giảm nguồn cung và dự đoán giá dầu Brent ở mức 80-85 USD/thùng vào năm tới.

Tháng trước, Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với Arctic LNG 2, dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng của công ty Novatek của Nga. Quyết định của Mỹ đã khiến nhiều tập đoàn dầu khí lớn của thế giới rút khỏi dự án LNG 2 Bắc Cực của Nga do lo ngại các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với cơ sở này.

Theo Reuters