Đâu là rào cản lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc?

Nhật Linh

(Dân trí) - Sự suy thoái của bất động sản Trung Quốc không có dấu hiệu cải thiện trong quý II, với sản lượng sụt giảm quý thứ 4 liên tiếp, che mờ triển vọng tăng trưởng kinh tế trong thời gian còn lại của năm.

Trong một báo cáo phát hành hôm qua (16/7), Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, trong quý II, sản lượng của ngành bất động sản, động lực chính của nền kinh tế nước này, đã giảm 7% so với năm ngoái.

Đâu là rào cản lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc? - 1

Bất động sản vẫn là rào cản lớn nhất đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới (Ảnh: Getty).

Báo cáo cũng cho thấy, bất động sản vẫn là rào cản lớn nhất đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và hoạt động kém hơn quý I khi giảm 2%.

Trong khi đó, gần đây lĩnh vực này lại xuất hiện thêm những căng thẳng mới khi người mua nhà ở hàng chục thành phố trên khắp Trung Quốc đồng loạt ngừng thanh toán các khoản vay thế chấp do các nhà phát triển không hoàn thành đúng tiến độ xây dựng dự án. Truyền thông nhà nước Trung Quốc trích dẫn nhận định của các nhà phân tích rằng điều này có thể làm tổn hại đến sự ổn định của hệ thống tài chính nếu người mua nhà ở nhiều nơi làm theo.

Riêng trong tháng 6, doanh số bán nhà của Trung Quốc đã giảm 23,4% so với một năm trước và đầu tư bất động cũng giảm 9,4%, theo số liệu chính thức.

Trước đó, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố báo cáo kết quả hoạt động kinh tế quý II với những con số đáng thất vọng. Theo đó, tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý II chỉ đạt 0,4%, giảm so với mức dự báo 1,2% của các nhà kinh tế. Đây là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ lần đầu tiên Trung Quốc bị tác động bởi đại dịch Covid-19 cách đây 2 năm.

Khách sạn, nhà hàng - một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất - cũng chứng kiến sản lượng sụt giảm 5,3% trong quý II, trở thành lĩnh vực hoạt động kém thứ 2, sau bất động sản. Con số này giảm mạnh so với mức giảm 0,3% trong quý trước đó. Việc đóng cửa và ngừng các dịch vụ ăn uống bên ngoài ở một số thành phố lớn cùng với nỗi lo bị lây nhiễm làm nản lòng người tiêu dùng đã giáng đòn lớn cho ngành này.

Lĩnh vực vận tải, kho bãi và ngành vận chuyển đã giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi sản lượng của các doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,4%.

Theo Bloomberg