Kinh tế Trung Quốc gây thất vọng vì dịch Covid-19
(Dân trí) - Trung Quốc vừa công bố các dữ liệu kinh tế quan trọng trong tháng 4 vừa qua với nhiều chỉ số gây thất vọng khi thấp hơn so với các dự đoán của giới phân tích.
Trung Quốc vừa báo cáo doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp trong tháng 4 sụt giảm hơn nhiều so với dự đoán của các nhà phân tích. Theo đó, doanh số bán lẻ trong tháng qua giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh hơn so với mức dự đoán 6,1% của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters.
Sản xuất công nghiệp cũng giảm 2,9% trong tháng 4 so với năm ngoái, trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng tăng nhẹ 0,4% của các chuyên gia.
Tháng trước, trước sự bùng phát của dịch Covid-19, Trung Quốc đã thực hiện phong tỏa Thượng Hải, buộc các nhà máy phải đóng cửa hoặc hoạt động ở mức hạn chế.
Trong tuyên bố mới đây, cơ quan thống kê nước này cho rằng môi trường quốc tế ngày càng khắc nghiệt và phức tạp cộng với cú sốc lớn hơn, vượt mọi dự đoán từ đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc tiếp tục làm gia tăng áp lực mới lên nền kinh tế.
Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng tác động của dịch Covid-19 chỉ là tạm thời và nền kinh tế được dự kiến sẽ ổn định và phục hồi.
Cũng theo số liệu của cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc, đầu tư vào tài sản cố định trong 4 tháng đầu năm nay đã tăng 6,8% so với năm ngoái, giảm nhẹ so với kỳ vọng 7% của các chuyên gia phân tích. Đầu tư vào bất động sản giảm 2,7% trong khi đầu tư vào sản xuất lại tăng 12,2% và đầu tư vào cơ sở hạ tầng tăng 6,5%.
Theo Hiệp hội ô tô chở khách Trung Quốc, lượng ô tô chở khách ở Trung Quốc đã giảm 41,1% so với cùng kỳ hàng năm. Ô tô là lĩnh vực chiếm khoảng 1/6 việc làm và khoảng 10% doanh số bán lẻ của Trung Quốc, theo số liệu năm 2018 của Bộ Thương mại nước này.
Tỷ lệ thất nghiệp ở 31 thành phố lớn nhất Trung Quốc cũng tăng lên mức cao mới là 6,7% trong tháng 4. Tỷ lệ thất nghiệp ở những người trong độ tuổi từ 16-24 cao hơn gần 3 lần ở mức 18,2%.
Trong khi đó, theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương nước này), tổng tài trợ vốn trong toàn xã hội (TSF) - một thước đo về tín dụng và thanh khoản - đã giảm gần một nửa so với năm ngoái, xuống còn 910,2 tỷ nhân dân tệ (tương đương 134,07 tỷ USD).
Tuy nhiên, ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie cho rằng nhu cầu tín dụng sẽ giảm trong thời gian ngắn. Theo ông, chính quyền trung ương Trung Quốc đang thực hiện hành động đầu tiên để cứu bất động sản bằng cách cắt lãi suất thế chấp cho người mua nhà lần đầu. "Việc cắt giảm này vẫn chưa đủ để xoay chuyển thị trường bất động sản, song bất động sản sắp tới sẽ có nhiều nới lỏng hơn", ông Hu nói.
Theo Moody's, bất động sản và các ngành liên quan hiện chiếm khoảng 1/4 GDP của Trung Quốc.