Vụ tàu vỏ thép liên tiếp hỏng ở Bình Định:

“Đấu khẩu” nảy lửa vì hãng máy Doosan không chịu thay máy mới

(Dân trí) - Trong khi ngư dân muốn thay máy mới hoàn toàn, nhưng đại diện hãng Doosan không chịu mà chỉ thay phụ tùng vì áp dụng trên phạm vi toàn cầu, phù hợp thông lệ quốc tế. Điều này khiến ngư dân phản ứng và giữa hai bên đã có màn “khẩu chiến” nảy lửa.

Bình Định: Màn “đấu khẩu” nảy lửa vì hãng máy Doosan không chịu thay máy mới

Ngày 26/5, Chi cục Thủy sản Bình Định đã tổ chức buổi gặp gỡ, trao đổi giữa lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nam Triệu và đại diện hãng máy tàu Doosan (Hàn Quốc), Công ty TNHH Ô tô Đông Hải, nhà cung cấp chính thức máy Doosan tại Việt Nam với ngư dân Bình Định công bố các lỗi hư hỏng máy tàu thép 67 được lắp máy Doosan mà báo chí ánh thời gian qua; đồng thời để hướng dẫn các ngư dân chủ tàu vỏ thép sử dụng máy tàu. Tuy nhiên, buổi gặp mặt trở thành cuộc tranh cãi nảy lửa và không có kết quả trước sự chứng kiến của vị “trọng tài” của Chi cục Thủy sản Bình Định.

Đừng đổ lỗi cho ngư dân

Tại buổi làm việc, ông Bùi Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Ô tô Đông Hải (Đông Hải Auto), nhà cung cấp động cơ Doosan cho Công ty TNHH MTV Nam Triệu, đã liệt kê một loạt “bệnh” các tàu được kiểm tra.

Cụ thể, tàu BĐ 9956TS của anh Lê Văn My (Cát Khánh, Phù Cát) có dấu vết cải tạo máy; tự ý chích đường nước làm mát máy, điều này làm ảnh hưởng đến nóng máy.

Tàu của anh Lê Ngô Hát, tàu mắc cạn đang chờ bảo hành. Tàu này khi kiểm tra, bồn làm mát nước cạn, máy điện có nước vào, táp lô điện tháo và buộc dây thừng tạm bợ.

“Chuyên gia phát hiện ống nước làm mát móp và hở, bình thường khó phát hiện nhưng khi bơm vào, nước bắn ra thành dòng. Lỗi va đập trên tàu là rất rõ ràng, tuy nhiên chúng tôi không xác định ai là bên có lỗi. Tôi thực sự không hiểu vì sao trạng thái bảng táp lô tàu anh Hát lại cố định tạm bợ như thế. Hệ thống điều khiển rất quan trọng đáng lẽ phải được lắp ở vị trí thuận lợi. Tôi rất ái ngại, rất mong cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, có kết luận xác đáng chứ không thể đổ lỗi cho máy tàu...” - ông Hải cho hay.

Màn khẩu chiến nảy lửa giữa ngư dân và đại diện Đông Hải Auto
Màn "khẩu chiến" nảy lửa giữa ngư dân và đại diện Đông Hải Auto

Đáp trả lại, ngư dân Lê Ngô Hát, chủ tàu 99168 TS, phản ứng: “Các ông tìm hết cớ này đến cớ khác để đổ lỗi cho ngư dân. Các ông đổ thừa chúng tôi không biết sử dụng rồi lại đổ lỗi là do xăng dầu. Các ông dựa vào tiêu chuẩn nào mà yêu cầu chúng tôi phải thay nhớt máy theo phẩm cấp Hàn Quốc? Các anh là chuyên gia, kỹ sư nhưng chỉ nói trên lý thuyết? Xưa nay, ngư dân tận dụng máy cũ mà rong ruổi khơi xa năm này qua năm khác mà có sao đâu, nay máy thùng, mới đập hộp mới chạy đã hư? Thôi các ông đừng đổ lỗi cho ngư dân nữa mà tội!”.

Anh Hát bức xúc nói tiếp: “Ngư dân chúng tôi đóng được con tàu 67 rất mừng nên đã máy đập thùng thì phải máy xịn. Chúng tôi là ngư dân, khi máy đề nổ máy đủ nước, đủ dầu là chạy chứ sao tự ý tháo máy, thay đổi. Các ông phải hiểu một điều, những chiếc tàu của các ngư dân khác không bị hư hỏng vươn khơi rất ăn nên làm ra. Còn chúng tôi cũng bỏ tiền ra rất muốn ra khơi đánh bắt kiếm sống, nhưng vì sao tàu phải nằm bờ, chỉ hư hỏng. Chúng tôi đâu phải khùng, tiền đâu phải lá mít. Tôi mong cơ quan chức năng, nhà máy sớm khắc phục để chúng tôi ra khơi đánh bắt lấy tiền trả nợ”.

Ông Nguyễn Đức Hưng, chủ tàu BĐ 99479TS lại đưa ra dẫn chứng: “Tôi được biết ở Bình Định chừng 10 tàu vỏ thép sử dụng máy Doosan thì 2 chiếc gặp sự cố. 20% hư hỏng là xác suất rất cao. Chưa lần nào chúng tôi được hướng dẫn kỹ thuật, quy trình quy phạm…”.


Ngư dân Trần Đình Sơn nhảy dựng lên khi nghe đại diện nhà cung cấp hãng máy Doosan chất vấn lại ngư dân

Ngư dân Trần Đình Sơn "nhảy dựng" lên khi nghe đại diện nhà cung cấp hãng máy Doosan chất vấn lại ngư dân

Cho rằng anh Hưng đánh giá vậy là thiếu khách quan, vị lãnh đạo Đông Hải Auto “nổi nóng” và chất vấn ngay ông Hưng: “Anh biết chúng tôi bán được bao nhiêu máy, nên hư ra sao, căn cứ vào đâu anh nói tàu hư hỏng 20%, anh xác nhận đúng hay sai. Tại Bình Định, có gần 50 máy do Đông Hải cung cấp chỉ có 1 tàu hỏng thì tỉ lệ là bao nhiêu?. 3 trường hợp máy hỏng là do ngập nước, nước như thủy kích, máy móc nào không hỏng! Tuy nhiên, chúng tôi chấp nhận tổn thất, bảo hành không lấy một đồng bạc nào của ngư dân”.

Trên tàu là sinh mạng của nhiều ngư dân?

Tranh cãi đến đỉnh điểm khi đại diện lãnh đạo Đông Hải Auto quyết định công bố “thật” về sự cố hỏng máy của tàu ngư dân Trần Đình Sơn (trú xã Mỹ An, Phù Mỹ, Bình Định), chủ tàu vỏ thép BĐ 99245 TS mà trước đó các chuyên gia Hàn Quốc đã trực tiếp “khám bệnh” cho tàu cá này.

Theo ông Sơn, từ khi hạ thủy vào tháng 12/2016 đến nay tàu ông chỉ đi được 2 chuyến biển nhưng thua lỗ đến gần 200 triệu đồng vì máy tàu hư hỏng liên tục. “Nếu không thay máy mới, tôi sẽ báo cáo các cơ quan chức năng, rồi thuê thợ hàn xuống hàn bít hết cửa, niêm phong tàu và trả lại cho công ty đóng tàu”, ông Sơn nói.

Ông Bùi Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Ô tô Đông Hải (Đông Hải Auto), nhà cung cấp động cơ Doosan cho Công ty TNHH MTV Nam Triệu, đã liệt kê một loạt “bệnh” các tàu được kiểm tra nhưng ngư dân không tâm phục mà cuối cùng là màn khẩu chiến nảy lửa.
Ông Bùi Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Ô tô Đông Hải (Đông Hải Auto), nhà cung cấp động cơ Doosan cho Công ty TNHH MTV Nam Triệu, đã liệt kê một loạt “bệnh” các tàu được kiểm tra nhưng ngư dân không tâm phục mà cuối cùng là màn "khẩu chiến" nảy lửa.

Trong khi đó, đại diện Đông Hải Auto cho rằng tàu hỏng máy có nhiều nguyên nhân. “Tôi không muốn nói ra điều này thì thành đổ lỗi cho ngư dân. Nhưng đến giai đoạn hiện nay có lẽ tôi phải nói. Ngư dân có nhất trí tôi nói không? Nhưng các anh không được đánh giá bên tôi đổ lỗi cho ngư dân. Vì về mặt truyền thông, sẽ rất tệ cho nhà phân phối khi đổ lỗi cho khách hàng”- ông Hải nói như kiểu “rào trước đón sau”.

Ngay sau đó, ông Hải đặt câu hỏi cho ngư dân Sơn: “Anh có chạy rô đa không? Thời gian chạy rô đa thay dầu bao nhiêu lần?, nước ngọt làm mát máy không chảy ra thân tàu mà tại sao lại được đưa lên trên sàn tàu….”. Lập tức, ông Sơn nhảy dựng lên phản ứng: “Từ Hải Phòng về ai thay nhớt? 5, 6 tàu cùng về, có chiếc tàu nào thay đâu? Các ông đổ thừa không đúng. Đầu nước ra thì quan trọng gì. Cái chính là làm mát máy. Động cơ máy như xương sống con tàu, tàu hỏng làm sao dám ra khơi lỡ gặp nạn trên biển ai chịu trách nhiệm. Trên tàu là sinh mạng của hàng chục thuyền viên”.

Còn ngư dân Hát nói: “Tôi nói cho các anh nghe trong 100 cái máy ít nhiều phải có máy gặp sự cố chứ chẳng máy nào là tốt 100%, xui gặp cái máy kém chất lượng thì phải đành chịu. Các anh nhận lỗi đi chứ đừng đổ lỗi tào lao, có lỗi thì nhận đi, ép chi tội ngư dân”.

Ngư dân Trần Đình Sơn: Nếu hãng Doosan không thay máy mơi ông sẽ niêm phong và trả lại tàu
Ngư dân Trần Đình Sơn: "Nếu hãng Doosan không thay máy mơi ông sẽ niêm phong và trả lại tàu"
Chuyên gia Hàn Quốc kiểm tra hư hỏng của tràu ông Sơn (hôm 25/5) vừa qua
Chuyên gia Hàn Quốc kiểm tra hư hỏng của tràu ông Sơn (hôm 25/5) vừa qua

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Vấn đề cấp bách nhất hiện nay là các bên liên quan phải phối hợp với nhau để giải quyết sớm nhất các hư hỏng để vươn khơi khai thác, đảm bảo Nghị định 67 được triển khai đồng bộ có hiệu quả như mong muốn của Chính phủ".

Về nguyên nhân dẫn đến tàu vỏ thép kém chất lượng và trách nhiệm các bên, theo ông Oai, cần có thời gian kiểm tra. "Trong chuyến làm việc lần này tại Bình Định chúng tôi sẽ trực tiếp gặp trao đổi với ngư dân về tình hình hư hỏng của các tàu thép 67. Đồng thời, làm việc với Sở NN&PTNT Bình Định về quy trình giải quyết các thủ tục hành chính giúp ngư dân vay tiền trong thời gian vừa qua”, ông Oai nói.

Doãn Công