Đầu cơ có tội hay không?
Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) đang đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Hình sự năm 1999. Đáng chú ý là phương án được đưa ra có nhiều điểm mới liên quan đến tội phạm kinh tế như tham ô, hối lộ, tội đầu cơ...
Ông Nguyễn Quốc Việt, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính cho biết, dự án luật sửa đổi sẽ có 42 điều luật được sửa đổi và 16 điều bổ sung mới. Như vậy Luật Hình sự sửa đổi bổ sung sẽ có 360 điều, tuy nhiên những vấn đề đưa ra hiện nay đang còn nhiều ý kiến khác nhau.
Tranh cãi quanh "tội đầu cơ"
Một trong những sửa đổi có nhiều ý kiến tham gia nhất là quy định về tội đầu cơ (Điều 160). Đầu cơ là việc nắm giữ các loại hàng hoá, tài sản rồi bán nhằm thu lợi khi có sự biến động giá mạnh của chúng. Có nhiều ý kiến nên bỏ tội đầu cơ, vì đây chỉ là hình thức kinh doanh đơn thuần, mà trong kinh doanh phải biết nắm bắt cơ hội để sinh lời.
Luật Hình sự năm 1999 quy định hành vi đầu cơ chỉ hình thành tội danh khi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh mua vét hàng hoá có số lượng lớn nhằm bán lại thu lợi bất chính gây hậu quả nghiêm trọng...
Như vậy, nếu một cá nhân, tổ chức mua hàng hoá rồi “găm” hàng, giữ hàng đợi những biến động mạnh về giá của hàng hoá mới bán để kiếm lãi cao chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong những thời điểm, hoàn cảnh nhất định như khi đất nước đang xảy ra chiến tranh, có thiên tai, dịch bệnh. Ngoài những thời điểm trên việc găm hàng hoá, vơ vét hàng hoá để làm giá không cấu thành tội hình sự.
Theo tổ biên tập, hành vi đầu cơ trong mọi hoàn cảnh có chịu sự điều chỉnh của một số văn bản dưới luật. Tuy nhiên, những văn bản dưới luật chỉ đơn thuần chỉ xử lí hành chính những hành vi đầu cơ nên sức răn đe không lớn.
Tổ biên tập đã không bỏ tội đầu cơ, mà đưa thêm hành vi đầu cơ “trong tình hình có khó khăn về kinh tế”, vì đây là hành vi lợi dụng sự khó khăn của xã hội để trục lợi, là cạnh tranh không lành mạnh.
Tuy nhiên, khi đưa thêm điều kiện hoàn cảnh để cấu thành hành vi đầu cơ này vào thì phải quy định rõ thế nào là “trong tình hình có khó khăn về kinh tế”.
Việc có nên bỏ tội đầu cơ hay không chưa có được ý kiến thống nhất, nhưng số người đầu cơ bị xử lí theo Điều 160 từ khi Luật Hình sự năm 1999 có hiệu lực đến nay hầu như hiếm xảy ra.
Thay đổi mức hình phạt ở nhiều tội liên quan đến kinh tế
Theo dự thảo thì sẽ bỏ 14/29 tội danh áp dụng mức hình phạt này hiện nay, trong đó có tội tham ô, nhận hối lộ. Đây là điểm có nhiều ý kiến khác nhau, trong thời điểm cả nước đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng liệu việc bỏ án tử hình có làm giảm sức răn đe?
Có ý kiến cho rằng mục đích của việc xử lí hành vi tham nhũng, nhận hối lộ là truy thu lại tài sản. Khi xử lí hành vi này chỉ cần người vi phạm không còn giữ vị trí nào trong bộ máy Nhà nước thì sẽ không thể tái phạm được vì đối tượng của tội danh này có sự khác biệt.
Mặt khác, nếu áp dụng hình phạt tử hình lại càng khó thu hồi được tài sản thì Nhà nước vẫn là bên chịu thiệt.
Theo dự thảo, giá trị tài sản và giá trị thiệt hại phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội liên quan đến tài sản sẽ được xác định lại mức định lượng tối thiểu.
Như tội chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cố tình huỷ hoại tài sản... trong Luật Hình sự năm 1999 quy định mức định lượng tối thiểu là 500 nghìn đồng thì nay dự thảo nâng lên 2 triệu đồng. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nâng mức tối thiểu từ 1 triệu lên 4 triệu đồng. Tội trốn thuế, gian lận thuế hiện đang quy định mức định lượng tối thiểu là 50 triệu sẽ nâng lên 150 triệu đồng...
Những quy định này bắt nguồn từ những biến động của nền kinh tế hiện nay và do có những thay đổi về các mức thuế với sự ra đời của các luật thuế.
Theo Công Lý
VnEconomy