Đầu 2017, ô tô nhập vào đợt tăng giá mạnh

Giá nhiều mẫu xe ô tô nhập khẩu rục rịch tăng, do tỷ giá đồng USD tăng giá. Ngược lại giá nhiều mẫu ô tô có điều kiện giảm, do tỷ giá đồng EURO giảm.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, lên mức 0,75%. Trên thị trường, đồng USD đã lên giá đáng kể so với các đồng tiền khác. Điều này đã tác động tới nhập khẩu ô tô nguyên chiếc. Các DN cho biết, những đơn hàng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc sử dụng đồng USD để thanh toán đã tăng chi phí.

Cách đây 2 tháng, tỷ giá thanh toán trong xuất nhập khẩu của các ngân hàng ở mức 22.240 VND/USD, nay đã tăng lên mức 22.770 VND/USD. Với tỷ giá này, cứ nhập khẩu 1 chiếc ô tô có giá 10.000 USD, quy ra phải tốn thêm từ 8-9 triệu VND nữa.

Hiện nay trên thị trường đã có 1 số mẫu xe nhập khẩu phải nâng giá bán. Chẳng hạn những DN nhập khẩu xe VAN tại Hà Nội vừa qua đã tăng giá mỗi chiếc khoảng 15 triệu đồng. Mẫu VAN Kia Morning trước đây có giá bán 340 triệu nay tăng lên 355 triệu.


Giá nhiều mẫu xe ô tô nhập khẩu rục rịch tăng, do tỷ giá đồng USD tăng so với VND.

Giá nhiều mẫu xe ô tô nhập khẩu rục rịch tăng, do tỷ giá đồng USD tăng so với VND.

Các mẫu xe lắp ráp trong nước có thể chưa bị ảnh hưởng, bởi linh kiện đã nhập từ trước đó, trong khi xe nhập khẩu nguyên chiếc thường phải chịu tác động ngay. Với xe nhập có giá trị lớn thì chi phí càng tăng cao.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều mẫu ô tô nhập khẩu vẫn chưa tăng giá, bởi hàng nhập về từ 4-5 tháng trước nay còn nhiều, chưa tiêu thụ hết. Cùng với đó, do tỷ giá giữa VND và USD chỉ tăng trong khoảng 2 tháng qua, vì vậy ô tô nhập khẩu trong thời gian này về Việt Nam và đưa ra thị trường chưa nhiều.

Thời gian tới hàng tồn kho giảm, các lô xe nhập khẩu về, hoàn tất thủ tục, đưa ra thị trường, sẽ tính theo tỷ giá mới, khi đó giá bán sẽ tăng, một DN nhập khẩu ô tô cho biết.

Theo dự báo FED sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm ba lần nữa trong năm 2017, mỗi lần tăng 0,25%. Nếu những bước tăng lãi suất tiếp tục diễn ra đúng như dự kiến, thì đồng USD chắc chắn sẽ còn tăng giá so với VND. Như vậy, trong năm 2017 giá xe nhập khẩu thanh toán bằng đồng USD có thể còn tăng giá thêm, chưa dừng lại.


Tỷ giá giảm đang mang lại lợi nhuận lớn cho những DN phân phối xe xuất xứ từ EU.

Tỷ giá giảm đang mang lại lợi nhuận lớn cho những DN phân phối xe xuất xứ từ EU.

Ngược lại, những DN nhập khẩu ô tô từ khu vực EU, thanh toán bằng đồng EURO lại đang được hưởng lợi, bởi tỷ giá giữa EURO với VND giảm mạnh. Cách đây 2 tháng, tỷ giá EURO với VND ở mức 24.500 VND/EURO thì hiện nay đã giảm xuống còn 23.800 VND/EURO. Với tỷ giá này, cứ nhập khẩu 1 chiếc xe từ các nước EU, có giá 10.000 EURO thì giảm chi phí trên 12 triệu VND.

Do tác động bởi tỷ giá, về nguyên tắc thời gian tới giá xe nhập từ khu vực sử dụng đồng USD sẽ tăng và xe nhập từ khu vực đồng EURO sẽ giảm. Tuy nhiên, giá xe tăng hay giảm trên thị trường còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Từ 1/1/2017 thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam giảm 10%, xuống còn 30%, như vậy sẽ bù đắp, giúp cho xe nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia... có điều kiện giảm giá, dù tỷ giá có tăng. Còn nhập khẩu từ các khu vực khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Đông, Mỹ... sẽ khó khăn hơn, do thuế nhập khẩu vẫn ở mức cao.

Với xe nhập từ khu vực EU, nhiều khách hàng đang mong chờ giảm giá. Nhưng giá giảm hay không cũng chưa rõ. Một DN nhập khẩu xe từ EU cho biết, giá cả phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như số lượng xe nhập nhiều hay ít, giá bán ra của nhà cung cấp, cùng các trang thiết bị đi kèm... Vì vậy, không thể nói, cứ EURO giảm giá thì tất cả các mẫu xe đều giảm theo một tỷ lệ tương ứng.

Tính từ đầu năm 2015 tới nay, đồng EURO đã giảm giá khá mạnh so với VND, nhưng xe nhập từ EU giảm giá không nhiều. Chủ yếu giảm với những mẫu bán chậm. Còn hầu hết những mẫu xe bán chạy, không thấy công khai giảm giá. Khi đươc hỏi, các đại lý cho biết chỉ đàm phán về giá với từng khách hàng riêng lẻ. Đáng ra, những mẫu xe bán chạy, nhập số lượng lớn thì phải giảm giá mạnh mới đúng. Tỷ giá giảm đang mang lại lợi nhuận lớn cho những DN phân phối xe xuất xứ từ EU.

Theo Trần Thủy
VietnamNet